Chất lượng sống

Dự án lọc dầu tỷ đô bị thu hồi: Dân điêu đứng 10 năm

07/04/2018, 06:50

Người dân bị dồn vào thế “đi không được ở không xong” vì bị quy hoạch treo sau quyết định thu hồi dự án.

14

Người dân trong vùng dự án bị thu hồi đất canh tác, mất việc, cuộc sống khó khăn

Bấp bênh trong vùng quy hoạch treo

10 năm trong vùng quy hoạch dự án lọc hóa dầu Vũng Rô, thôn Đông Bé (xã Hòa Tâm, Đông Hòa, Phú Yên) thêm tiêu điều, hoang vắng, như “lạc lõng” so với sự phát triển của các vùng lân cận. Cả ba nhân khẩu trong gia đình ông Nguyễn Cao Ký (47 tuổi, thôn Đông Bé) sống trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, khu vườn như bỏ hoang, để cỏ mọc um tùm. “Vườn nhà tôi trước đây cây trái đủ đầy, chăn nuôi gà lợn nhưng từ khi nằm trong diện quy hoạch không được canh tác gì cả, mất nguồn thu. Nhà cửa cũng chẳng được cơi nới, xây cất gì nên xuống cấp. Tôi lái máy cày nhưng đất trong vùng thu hồi hết nên phải sang vùng bên mới có việc làm”, ông Ký nói.

Nhà ngay đối diện, gia đình bà Lê Thị Cúc (49 tuổi) cũng đã sống trong cảnh chờ đợi dự án triển khai một cách mòn mỏi. Khu vườn rộng 3.000m2 chủ yếu trồng sen, kết hợp nuôi tôm, cá giúp gia đình thu nhập tầm 500 nghìn đồng/ngày, giờ cũng thành bãi đất hoang. Bà Cúc đã được đền bù giải tỏa cho phần diện tích này với giá 700 triệu đồng. Bà dành ra một ít thuê đất ngoài dự án, đào ao thả cá để tránh cảnh ngồi chơi xơi nước.

Số còn lại, bà dành dụm khi có tiền đền bù từ phần đất thổ cư sẽ chuyển sang khu tái định cư sinh sống. Nhưng khi bà và những gia đình còn lại trong thôn chuẩn bị hồ sơ để đàm phán giá đền bù mới thì hay tin tỉnh đã thu hồi dự án, lòng ai cũng rối bời. “Nghe nói dự án bị thu hồi, bà con chúng tôi lên hỏi địa phương bảo chờ, cứ sống thế đã. Chờ nhưng không được canh tác, xây cất nhà cửa gì. Cả làng đông vui giờ còn loe ngoe mấy nhà thì sống làm sao. Đất tái định cư đã cấp nhưng bà con không có tiền xây dựng làm sao đi được. Đi không được mà ở cũng chả xong”, giọng bà Cúc mệt mỏi.

Theo UBND xã Hòa Tâm, toàn xã có 3 thôn Đồng Bé, Phước Long và Phước Tân, với diện tích đất 538ha nằm trong vùng dự án. 134ha đã được giao để thực hiện giai đoạn 1 với 200 hộ dân di dời sang khu tái định cư. Những diện tích này phần lớn là đất nông nghiệp, trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và đất thổ cư thế nhưng giờ cũng chỉ là những bãi đất hoang, đất bạc màu. Thiếu việc làm, gặp khó khăn về kinh tế là tình cảnh chung của bà con nơi đây. Đã vậy, cả 10 năm không được triển khai, dân số phát triển, trẻ em không có trường mẫu giáo đành phải học ở nơi khác cách đó hơn 3km.

Người ở lại gặp khó, người chuyển qua khu tái định cư mới (tại xã Hòa Hiệp Nam, Đông Hòa) cũng chẳng khá hơn. Tại khu tái định cư, nhà cửa lúc nào cũng đóng im ỉm bởi phần lớn người dân đi kiếm việc nơi khác. Gia đình bà Châu Thị Hưởng (53 tuổi) nhận số tiền đền bù nhưng sang khu tái định cư chỉ đủ dựng nhà mới, không có điều kiện chuyển đổi sản xuất. Gia đình làm nghề nông, nay ra khu mới, không có đất canh tác. Con cái người làm thợ xây, người phụ hồ.

15

Dự án lọc hóa dầu Vũng Rô cũng chỉ là bãi đất hoang

Mong manh tìm nhà đầu tư mới

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Võ Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa nhận định, dự án bị thu hồi sẽ đẩy người dân vào thế khó, bởi họ vừa mất đất, vừa chờ đợi ròng rã suốt 10 năm qua. Nhiều trường hợp đồng thuận bồi hoàn nhưng chưa nhận được tiền từ nhà đầu tư, buộc ở lại để chờ rất sốt ruột, lo âu. “Phần thu hồi sẽ rất khó trả lại cho người dân, vì họ đã được đền bù đến nơi mới”, ông Hòa nói

Theo BQL Khu kinh tế tỉnh Phú Yên, Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô là dự án do Công ty Technostar Management Ltd. làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu tiên vào tháng 11/2007. Ngành chức năng, địa phương Phú Yên nỗ lực giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Trong đó, đã bàn giao 134ha để chủ đầu tư triển khai khu vực cảng nước sâu Bãi Gốc.

Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án đã nâng số vốn đầu tư từ 1,7 tỷ USD lên 3,2 tỷ USD và chính thức động thổ vào tháng 9/2014, với công suất nhà máy dự kiến 8 triệu tấn/năm. Tại lễ động thổ, nhà đầu tư cam kết đến năm 2019 dự án sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Tố Quyên, Trưởng phòng Quản lý đầu tư (Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên) cho hay: Đến đầu năm 2018, nhà đầu tư có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động của dự án với lý do khó khăn về kinh tế. Sau đó, UBND tỉnh Phú Yên đã quyết định thu hồi dự án này sau 4 lần thay đổi dấu chứng nhận đầu tư.

Hiện, UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các sở, ngành rà soát lại toàn bộ dự án, các vấn đề liên quan công tác đền bù giải phóng mặt bằng; chi phí chủ đầu tư, trường hợp người dân chưa nhận tiền đền bù hay sống trong vùng quy hoạch. Ngoài ra, địa phương làm việc với chủ đầu tư để giải quyết một số vấn đề tồn tại khi rút khỏi dự án. Một phương án đang được tỉnh Phú Yên tính đến là kêu gọi một nhà đầu tư khác tiếp tục triển khai dự án hoặc lập một cụm công nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.