Tài chính

Dự án nhà máy thép 2.000 tỷ ở Hà Tĩnh định giá còn hơn 100 tỷ

05/04/2019, 17:11

Sau thẩm định, dự án Nhà máy thép Vạn Lợi (Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư (sau điều chỉnh) 2.000 tỷ đồng có giá trị còn lại là hơn 108,6 tỷ đồng.

img
Một góc Nhà máy thép Vạn Lợi

Chiều 5/4, ông Nguyễn Hồng Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Sau khi thẩm định, giá trị còn lại của Nhà máy thép Vạn Lợi (đóng ở phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh) là hơn 108,6 tỷ đồng.

Theo ông Nam, sau khi tiếp nhận hồ sơ về vụ tranh chấp Nhà máy thép Vạn Lợi, đơn vị đã hợp đồng với Công ty CP giám định và thẩm định Phương Đồng (Hà Nội) để thẩm định giá trị còn lại của nhà máy thép này. Tuy nhiên, do tài sản quá lớn nên phải mất một thời gian dài mới kiểm đếm và định giá được.

“Sau khi thẩm định, giá trị còn lại của nhà máy là hơn 108,6 tỉ đồng, Chi cục Thi hành án đã lựa chọn Công ty TNHH đấu giá Hồng Lĩnh tổ chức bán đấu giá tài sản nhà máy thép này”, ông Nam cho biết.

Cũng theo ông Nam: hồ sơ đấu giá tài sản Nhà máy thép Vạn Lợi được bán từ ngày 2/4 và dự kiến đến ngày 26/4 sẽ tổ chức đấu giá tài sản nhà máy thép này. “Tính đến chiều 5/4, đơn vị đấu giá vẫn chưa bán được bộ hồ sơ nào”, ông Nam nói thêm.

Được biết, Nhà máy thép Vạn Lợi được Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cấp giấy phép từ tháng 06/2007. Dự án nằm trên diện tích đất gần 26ha tại phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh với tổng số vốn đầu tư sau điều chỉnh lên đến gần 2.000 tỷ đồng và dự kiến có thể giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Ngoài chủ đầu tư là Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh, dự án còn có 2 cổ đông chính khác là Công ty Vạn Lợi và Công ty Đầu tư Khoáng sản Hợp Thành (đều có trụ sở ở Hà Nội). Theo dự kiến, giai đoạn I của dự án sẽ cho công suất 250.000 tấn một năm, giai đoạn II là 500.000 tấn.

Mặc dù mục tiêu đặt ra là đến tháng 8/2010, nhà máy sẽ xuất xưởng tấn phôi thép thương phẩm đầu tiên, tuy nhiên việc thi công nhà máy luôn trong tình trạng trì trệ rồi dừng hẳn. Sau nhiều năm bỏ hoang, tháng 5/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận cho phép đầu tư nhà máy. Đồng thời, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với một số cơ quan chức năng xử lý việc thanh lý dự án, tháo dỡ máy móc, thiết bị...

Được biết, trước thời điểm “chết yểu”, Nhà máy thép Vạn lợi đã được giải ngân gần 1.000 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.