Xã hội

Dự án "thiên đường hải đảo" 3.000 tỷ đồng bỏ hoang, đường sá hư hỏng

07/07/2022, 06:00

Dự án có tổng mức đầu tư lên tới trên 3.000 tỷ đồng ở TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) dù nhiều năm triển khai nhưng người dân vẫn ngắc ngoải chờ đền bù.

Dự án bỏ hoang, đường sá hư hỏng

Theo tìm hiểu của PV, dự án Khu dịch vụ du lịch và đô thị sinh thái Cửa Ông (người dân địa phương thường gọi là dự án “thiên đường, hải đảo”) được UBND TP Cẩm Phả phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng lần đầu vào ngày 17/3/2017 với tổng diện tích là 36,383ha, số vốn dự kiến ban đầu khoảng trên 2.000 tỷ đồng.img

Hạ tầng giao thông khu dân cư nằm trong vùng dự án xuống cấp nghiêm trọng

Đến ngày 5/9/2019, UBND TP Cẩm Phả tiếp tục phê duyệt quy hoạch điều chỉnh chi tiết dự án, với chức năng là khu dịch vụ du lịch, đô thị sinh thái ven biển hiện đại, tổ hợp trung tâm kinh tế về thương mại dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp dịch vụ du lịch, văn hóa lễ hội.

Dự án được thiết kế quy mô có số dân khoảng 4.850 người, khách lưu trú khoảng 3.000 người/ngày/đêm. Dự án được thực hiện bởi liên danh nhà đầu tư gồm Công ty CP du lịch Thiên đường Hải đảo, Công ty CP Tập đoàn Tecco, Công ty CP Tập đoàn Đông Đô với tổng kinh phí được nâng lên trên 3.000 tỷ đồng.

img

Phối cảnh dự án "thiên đường hải đảo"

Dự án được tiến hành theo 3 giai đoạn gồm các hạng mục như bãi đỗ xe trung tâm, hệ thống dịch vụ, bến tàu cao tốc kết hợp bến tàu du lịch, khu bãi tắm nhân tạo, khách sạn, chung cư, công viên ven biển, quảng trường trung tâm, khu biệt thự, trường mầm non…

Mặc dù được phê duyệt với quy mô “hành tráng” có đầy đủ các hạng mục giao thông, bến cảng, biệt thự… và số vốn “khủng” như vậy, nhưng gần 5 năm kể từ khi được phê duyệt, dự án “thiên đường hải đảo” này chỉ đền bù, phá dỡ được 25 căn hộ của người dân, làm được đoạn đường đất rộng chừng 3m, dài vài chục mét từ khu vực Văn phòng Ban Quản lý dự án đến khu dân cư giáp biển phía Tây Bắc của dự án.

img

Cả vùng dự án chưa được triển khai

Thực tế, tại một số khu vực trong vùng dự án, PV Báo Giao thông chỉ thấy những căn nhà cấp 4 lụp xụp của hơn 80 hộ dân đang từng ngày, từng giờ mong ngóng tiền đền bù để di chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật hơn.

img

Thiết bị, máy móc không có mặt bằng để thi công đành nằm cho cỏ mọc um tùm

Chỉ tay vào những chiếc ô tô, máy xúc, máy gạt “đỗ chết” ở cạnh Văn phòng khiến cỏ mọc ngập cả lốp xe, cả ca bin máy gạt, anh Nguyễn Quang Hưng, đại diện Ban Quản lý dự án của liên danh nhà thầu, cho hay: “Những tưởng việc triển khai dự án được thuận lợi, nên doanh nghiệp đã điều phương tiện về tập kết để phục vụ san, gạt mặt bằng.

Doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ phương án tài chính sẵn sàng chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, công tác kiểm đếm, xây dựng phương án đền bù cho các hộ còn lại vẫn chưa có tiến triển gì”.

Dân "sống khổ" chờ đền bù

Cuối tháng 6/2022, PV Báo Giao thông từ Tỉnh lộ 334 rẽ vào khu 4B1, phường Cửa Ông và ghi nhận tuyến đường đã xuống cấp, đầy “ổ voi”, “ổ gà”, tung bụi mù mịt trong nắng nóng.

img

Con đường vào khu tổ 51, khu 4B1, phường Cửa Ông lầy lội, đầy ổ gà, ổ voi

Ven tuyến đường xuống khu vực mép biển, một số điểm đã thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng... và rác thải cứ bị đẩy dần xuống biển, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và luồng thủy nội địa ở khu vực chân cầu Vân Đồn 1.

img

Rác thải bị đổ xuống khu vực mặt biển, ảnh hưởng đến môi trường và luồng thủy nội địa

Dẫn PV Báo Giao thông vào căn nhà nhỏ cấp 4 đã xuống cấp, nóng hầm hập, chị Lê Thị Vinh (tổ 51, khu 4B1, phường Cửa Ông) kể: Hơn chục năm trước, vợ chồng chị mua mảnh đất này với số tiền hơn 300 triệu đồng của Công ty CP Đóng tàu Thành Công.

“Nay nhà lại vào diện quy hoạch, nên nhà cũ nát, dột tứ bề, muốn xây nhà mới thì cán bộ phường không cho. Gia đình mong muốn các cấp có thẩm quyền di dời sớm để dân đi nơi khác ổn định cuộc sống”, chị Vinh than.

img

Gia đình chị Vinh phải sống trong cảnh nhà cửa xuống cấp không được xây, sửa

Gia đình ông Phạm Văn Cường ở tổ 45, khu 4B1 tới đây khai hoang, lấn biển để làm nhà từ hơn chục năm nay. Hiện trong căn nhà cũ xập xệ của ông Cường có tới 3 thế hệ sinh sống.

“Bao lần cán bộ đến đo đo, đếm đếm rồi về, giờ nhà cửa không được phép xây, sửa, cứ phải sống cảnh khổ sở, chật chội này”, ông Cường nói.

Lý giải việc vì sao việc bàn giao mặt bằng chậm trễ dù cả chủ đầu tư, nhà thầu và người dân vùng dự án đều mong ngóng, ông Hà Hữu Dục cán bộ địa chính, xây dựng phường Cửa Ông cho hay: Ở khu vực này có 109 hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng.

Đến nay mới có 25 hộ nhận tiền và di dời đi nơi khác. Số hộ còn lại đều làm nhà đã lâu nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì vậy chưa xây dựng được phương án đền bù.

img

Vùng mặt nước trong dự án vẫn chưa được triển khai hoạt động gì

“Các hộ còn lại thuộc diện đền bù, giải phóng mặt bằng đều chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên việc áp dụng các cơ chế, chính sách đảm bảo hài hòa lợi ích khi họ di dời đi nơi khác cần phải xin ý kiến các cấp có thẩm quyền từ tỉnh đến trung ương. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể”, ông Hà Hữu Dục cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.