Quản lý

Dự án thoát nước 3 năm nằm trên giấy, thấp thỏm lo ngập Tân Sơn Nhất

29/05/2019, 13:30

Dù dự án cải tạo kênh A41 có chủ trương từ cách đây 3 năm, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn thấp thỏm lo ngập...

img
Đoàn của HĐND TP HCM do ông Nguyễn Đức Hải - Phó chủ tịch HĐND dẫn đầu
kiểm tra kênh A41

Kênh A41 vẫn đầy rác

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có 3 hướng tiêu thoát nước chính. Ở hướng Bắc, nước từ sân bay chảy vào kênh Hy Vọng rồi thoát ra kênh Tham Lương. Tại hướng Đông Nam, nước từ nhà ga và xưởng máy bay A75 chảy ra hai hướng (mương Nhật Bản nhánh 1, nhánh 2) dẫn về cống thoát nước trên đường Nguyễn Kiệm, đến tuyến cống đường Phan Đình Phùng rồi thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ở hướng Nam, nước từ khu vực sân đỗ máy bay ga quốc nội chảy qua kênh A41 (hai nhánh) dẫn về cống thoát nước trên đường Cộng Hòa, đến tuyến cống đường Út Tịch để thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Sở đẩy quận, quận nói Sở
Để triển khai bồi thường hỗ trợ GPMB dự án kênh A41 và kênh Nhật Bản 2 thoát nước cho sân bay, Sở TN&MT thành phố yêu cầu quận Tân Bình hoàn chỉnh pháp lý kế hoạch sử dụng đất của quận thì Sở mới thẩm định giá đất.
Tuy nhiên, ông Hứa Hữu Hưng, Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình cho rằng, hiện nay Sở TN&MT chưa tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của 24 quận, huyện, do đó việc Sở TN&MT yêu cầu quận Tân Bình hoàn chỉnh pháp lý về kế hoạch sử dụng đất là không phù hợp.
Mặt khác dự án trên được triển khai từ năm 2018 và đã đăng ký kế hoạch sử dụng đất năm 2018, việc kéo dài thẩm định giá đất gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ công tác bồi thường GPMB. Đến khi giá bồi thường lần thứ nhất được phê duyệt, khi triển khai đến người dân thì mức giá này không còn phù hợp.


Theo lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất, với kênh Hy Vọng, kênh Nhật Bản những năm qua đã được cải tạo, nên việc thoát nước cho sân bay tương đối đảm bảo. Lo ngại nhất là kênh A41 với chiều dài hơn 2km liên tục bị lấn chiếm, tắc nghẽn do rác, khiến việc thoát nước cho sân bay khó khăn. Mặc dù thành phố đã có chủ trương cải tạo tuyến kênh này, nhưng tình trạng lấn chiếm, xả rác vẫn liên tục tái diễn.

Ông Hứa Hữu Hưng, Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình (TP HCM) thừa nhận, tình trạng xả rác vẫn diễn ra như cơm bữa. Trong năm 2018, quận đã xử phạt hơn 100 triệu đồng với các hộ dân xả rác xuống kênh A41.

Trở lại kênh A41 những ngày qua, PV quan sát, lòng kênh dù đã có nạo vét khơi thông so với trước, nhưng vẫn rất chật hẹp. Đất cát từ hai bên đường, từ các hộ gia đình sống gần Kênh A41 vẫn đổ ra ngoài. Có những hôm sau trận mưa, tại các khu vực qua đường Hậu Giang, Phan Thúc Duyện, Cộng Hòa… miệng cống tắc đầy rác. Dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối khó chịu, ô nhiễm nặng.

Dù các công nhân của Công ty Môi trường đô thị vẫn thường xuyên vớt rác trên kênh để khơi thông dòng chảy, nhưng chỉ vài ngày kênh đã lại đầy rác. Có buổi sáng, xe của Công ty Môi trường đô thị 4 lần hốt rác đi chỗ khác nhưng vẫn không cải thiện được.

Ông Hứa Hữu Hưng cho rằng, tình trạng ngập ở sân bay là do hệ thống thoát nước bên trong và bên ngoài sân bay không đồng bộ khiến việc thoát nước ra bên ngoài rất khó. “Dù địa hình sân bay cao hơn bên ngoài nhưng đáy cống lại thấp hơn đáy kênh A41 nên nước mưa chảy ngược vào trong”, ông Hưng dẫn chứng.

Tuy vậy, ông Phạm Vũ Cường, Phó giám đốc CHK quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, hệ thống thoát nước của sân bay có từ trước giải phóng với 3 hướng thoát chính ra bên ngoài là kênh Hy Vọng, kênh Nhật Bản và kênh A41 và vẫn thoát nước tốt. Thế nhưng, do công tác quản lý địa bàn của quận không tốt, dẫn đến lấn chiếm kênh rạch, xả rác làm tắc nghẽn dòng kênh. “Đây chính là nguyên nhân khiến nước trong sân bay không thoát ra được bên ngoài và gây ngập”, ông Cường khẳng định.

Dự án phê duyệt 3 năm vẫn chưa nhúc nhích

img
Kênh A41 bị lấn chiếm khiến lòng kênh hẹp lại, làm tắc dòng chảy gây ngập
cho sân bay Tân Sơn Nhất

Những năm gần đây, sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên bị ngập vào mùa mưa, gây mất an toàn hàng không. Từ tháng 10/2015, khu vực sân đỗ tàu bay và Đài chỉ huy cũ bị ngập khoảng 20cm, nước tràn vào nhà đặt máy phát điện trạm nguồn. Nhân viên sân bay phải dùng bao cát, bạt nylon ngăn không cho nước tràn vào trạm điện. Đến năm 2016, tình trạng ngập vẫn tái diễn tại một số vị trí sân đỗ tàu bay. Những tuyến đường quanh sân bay như: Trường Sơn, Hậu Giang, Phan Thúc Duyện… thường xuyên bị ngập, gây ảnh hưởng đến giao thông, khiến nhiều hành khách bị chậm khi đến sân bay.

Trước tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất có thể bị ngập trong mùa mưa này, lãnh đạo sân bay cho biết đã có các phương án, trong đó có việc đầu tư hệ thống cống thoát nước bên trong; Đồng thời sử dụng máy bơm công suất lớn, trong trường hợp nước ở khu vực phía Nam không thoát được, sẽ dùng máy bơm để bơm nước qua các hướng khác như ra kênh Nhật Bản, kênh Hy Vọng.


Trước tình trạng đó, từ tháng 4/2016, HĐND TP HCM đã quyết định chủ trương đầu tư nâng cấp cải tạo kênh A41 bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Tháng 10/2016, Sở GTVT đã phê duyệt đầu tư xây dựng kênh A41. Theo kế hoạch, có 179 trường hợp lấn chiếm sẽ được giải tỏa để triển khai lắp đặt cống hộp suốt dọc tuyến kênh nhằm tăng khả năng thoát nước.

Về quy mô, phần giao thông và hạ tầng kỹ thuật, sẽ xây dựng một tuyến đường nhựa có bề rộng 20m, trong đó lòng đường rộng 12m, vỉa hè mỗi bên rộng 4m, bố trí đèn chiếu sáng, hào kỹ thuật và trồng cây xanh. Phần thoát nước, đoạn từ đường Út Tịch đến đường Giải Phóng sẽ lắp đặt cống hộp đôi có kích thước 2,5m x 2,5m. Đoạn từ đường Giải Phóng đến đường Phan Thúc Duyện gồm 2 nhánh lắp đặt cống hộp đơn, có kích thước 2,5m x 2,5m.

Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn chỉ “nằm trên giấy”, chưa triển khai thực tế ở địa bàn. Trong đợt khảo sát kênh A41 mới đây, ông Phạm Đức Hải, Phó chủ tịch HĐND TP HCM rất bức xúc khi dự án cải tạo kênh A41 được duyệt từ năm 2016 nhưng giờ vẫn chưa nhúc nhích. “Việc chống ngập cho sân bay là an ninh hàng không, là dự án trọng điểm của thành phố nhưng UBND quận Tân Bình phối hợp với các sở ngành chưa hợp lý để triển khai. Tôi đề nghị các đơn vị ngồi lại với nhau để tìm hướng xử lý nhanh hơn”, ông Hải nói.

Về tiến độ dự án, theo ông Hưng, hiện quận đã niêm yết phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, đang chờ thành phố phê duyệt mức giá. Sau đó sẽ phê duyệt phương án bồi thường và ban hành quyết định thu hồi đất và tổ chức khởi công dự án.

“Nếu thành phố phê duyệt giá bồi thường trong cuối tháng 6/2019 mới kịp khởi công vào cuối năm”, ông Hưng nói và cho biết, hàng tuần quận và Trung tâm chống ngập tổ chức nạo vét khơi thông dòng chảy của kênh để mùa mưa không bị rác chặn dòng, gây ngập. Cùng với đó là vận động người dân không xả rác, xử lý nghiêm tình trạng xả rác xuống kênh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.