Bất động sản

Dự báo nhà phố, liền kề chậm lại do "siết" tín dụng

26/04/2022, 17:14

Công ty TNHH Savills Việt Nam vừa có báo cáo thị trường Bất động sản Hà Nội quý 1/2022.

Theo đó, nguồn cung biệt thự và nhà liền kề mới đạt 801 căn, giảm 15% theo năm. Nguồn cung đến từ các quận ngoại thành như: Gia Lâm, Hoài Đức, Từ Liêm, Hoàng Mai. Lượng giao dịch của phân khúc này trong quý 1 là 666 căn, giảm 29% theo năm.

img

Biệt thự, nhà liền kề dự báo chậm lại do "siết" tín dụng và nguy cơ lạm phát

Giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 134 triệu/m2 đất, giảm -26% theo quý. Giá trung bình của nhà liền kề là 185 triệu/m2 đất, tăng 8% theo quý và 73% theo năm. Giá trung bình nhà phố khoảng 323 triệu/m2 đất, tăng 35% theo quý và 79% theo năm.

img

Thống kê của Savills về giao dịch quý 1/2022 phân khúc biệt thự/nhà liền kề

Chia sẻ với Báo Giao thông, đại diện Savills cho biết, so với quý 4/2021, tình hình hoạt động đã cải thiện, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng nhất định về nguồn cung mới, phân bổ đều khắp địa bàn thành phố Hà Nội. Giá bán sơ cấp liên tục ghi nhận mức giá cao nhất từ trước tới nay.

Vị đại diện cũng dự báo, trong phần còn lại của năm, thị trường biệt thự/nhà liền kề sẽ chào đón hơn 1.600 căn đến từ mười dự án. Trong đó, khu vực phía Tây có nguồn cung tương lai lớn nhất. Với hạn chế về sản phẩm tại thị trường Hà Nội, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội tại các địa phương lân cận như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, hay Hòa Bình.

img

Diễn biến biệt thự/nhà liền kề theo năm (nguồn savills Việt Nam)

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cũng nhận định: “Áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn”.

Trước đó, Sacombank sẽ không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và yêu cầu các đơn vị không thực hiện huy động, cho vay cầm cố sổ. Cùng lúc Techcombank tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản từ ngày 25 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4...

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều quy định liên quan việc kiểm soát tín dụng vào bất động sản nhưng cần giám sát chặt và hiệu quả những hình thức cho vay khác nhau, kể cả việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp, cho vay thông qua các lĩnh vực khác… Có như vậy, dòng vốn của ngân hàng mới chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, phục vụ cả nền kinh tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.