Ông Huỳnh Tấn Vinh phát biểu tại Hội thảo phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, tổ chức ngày 28/4 tại Đà Nẵng |
Ông chính là tác giả bức “tâm thư” kêu cứu cho Sơn Trà gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 21/3 và là người lên tiếng mạnh mẽ nhất suốt hơn 2 tháng qua để bảo vệ “lá phổi xanh” của Đà Nẵng.
Gặp ông Vinh lúc xế chiều, giữa bộn bề công việc điều hành Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An - Furama resort (nơi ông Vinh làm Tổng giám đốc) và câu chuyện Sơn Trà chưa có hồi kết khiến ông vã mồ hôi. Tuy vậy, khi PV nhắc đến Sơn Trà, mắt ông Vinh sáng quắc, giọng nói trở nên hùng hồn, đầy cảm xúc. Ông khẳng định: “Dù chịu nhiều áp lực, nhưng với sự đồng hành của báo chí, cộng đồng mạng và hàng triệu người yêu Sơn Trà, tôi vững tâm để kêu cứu đến cùng vì Sơn Trà”.
Bị nhắc nhở, yêu cầu thôi chức
Lý do nào thôi thúc ông lên tiếng bảo vệ Sơn Trà?
Tôi nhớ, ngày 15/2, Tổng cục Du lịch vào Đà Nẵng, phối hợp UBND TP tổ chức buổi công bố bản Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, tầm nhìn 2030, tôi cùng một số anh em trong Hiệp hội Du lịch đã rất lo lắng. Bởi, nhìn phần thuyết minh của bản quy hoạch, phần cuối thể hiện chi chít biệt thự, khách sạn… bao phủ Sơn Trà. Lúc đó, tôi có nói với anh Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là tôi thấy lo lắng cho Sơn Trà. Anh Dũng lên bục trấn an tôi và nói anh Vinh cứ yên tâm, mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Chiến dịch “Giải cứu Sơn Trà” đến nay đã thu hút 13.000 chữ ký. Đây là con số rất lớn. Bên cạnh đó, báo chí, mạng xã hội… ủng hộ khiến tôi vững tâm hơn. Khi Bộ rút công văn, anh Huỳnh Vĩnh Ái có gọi cho tôi để xin lỗi và tôi thoải mái chấp nhận lời xin lỗi đó. Tôi nghĩ rằng, phía Bộ VH,TT&DL đã hiểu ra vấn đề. Và tôi nhắn nhủ với anh Ái rằng, mong các anh có những bước đi thận trọng, khoa học và cầu thị để bảo vệ Sơn Trà. Còn anh Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch không có phản hồi với tôi, cho phép tôi không bình luận về việc này. |
Khoảng 2 tuần sau, báo chí phản ánh liên tục về các dự án băm nát Sơn Trà, đào xới cây rừng đặt móng xây biệt thự. Con gái tôi đọc báo thấy thế liền hỏi tôi, ba Vinh ở đâu mà không cứu Sơn Trà cho con. Từ câu hỏi thảng thốt của con gái - một người đại diện cho thế hệ trẻ, tương lai của thành phố đã thôi thúc tôi lên tiếng với tư cách là người cha. Tất cả điều đó thúc giục tôi gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, khẩn khoản đề nghị giữ nguyên trạng Sơn Trà, không xây mới các biệt thự, hợp nhất Sơn Trà và Hải Vân thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới như mô hình Cù Lao Chàm, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Từ lâu, tôi thỉnh thoảng vẫn lên Sơn Trà để tham quan, ngắm cảnh. Nhưng một ngày đặc biệt trong năm 2016, tôi đi cùng Câu lạc bộ Nhiếp ảnh sông Hàn lên Sơn Trà chụp ảnh. Khi đó, lần đầu tiên tôi thấy voọc chà vá chân nâu. Nhìn thấy voọc khiến tôi rất xúc động. Một loài vật sống cạnh thành phố chúng ta mà đẹp một cách lạ lùng. Cũng chiều hôm đó, hoàng hôn xuống, rừng Sơn Trà đẹp đến nao lòng, gây ấn tượng lớn với tôi. Càng lên Sơn Trà thì tôi càng thấy nơi đây là tài sản quý giá vô cùng cho bất kỳ ai yêu quý thiên nhiên. Sẽ thật đau đớn khi Sơn Trà bị phá hủy. Vì vậy, càng lên tiếng bảo vệ Sơn Trà, tôi càng rong ruổi lên đó nhiều hơn.
Sau phát biểu về sự cần thiết phải bảo tồn đa dạng sinh học của Sơn Trà, Bộ VH,TT&DL đã có công văn yêu cầu ông giải trình và xử lý ông, rồi sau đó họ lại đính chính và xin lỗi. Cảm giác của ông thế nào sau chuyện này?
Công văn của Bộ VH,TT&DL cho thấy, Bộ và cả Tổng cục Du lịch không khoa học, không có tinh thần cầu thị. Đã là tọa đàm (Tọa đàm về quy hoạch, phát triển du lịch trên Sơn Trà ngày 30/5 tổ chức tại Hà Nội - PV) thì phải tôn trọng sự khác biệt trong tranh luận, tôn trọng ý kiến đa chiều, như vậy mới có được kết quả chuẩn xác nhất. Bộ VH,TT&DL cho rằng, tôi phát biểu sai khi nói quy hoạch Sơn Trà vi phạm Luật Bảo vệ rừng, Luật Đa dạng sinh học… Tôi khẳng định rằng, đã cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát biểu và tôi chịu trách nhiệm về điều này. Bộ VH,TT&DL khi ra công văn như vậy thì hãy chứng minh và bảo vệ điều mình cho là đúng bằng lý lẽ để người khác phải khuất phục, chứ không phải cấm, bịt miệng người ta bằng sự kiểm điểm. Dù bị trói tay, bịt miệng, tôi vẫn kiên quyết bảo vệ Sơn Trà cho con cái chúng ta, bởi đây là lẽ phải.
Nhưng đâu phải bây giờ câu chuyện bê tông hóa Sơn Trà mới được đặt ra. Vì sao bây giờ ông mới lên tiếng để bảo vệ “lá phổi xanh” của Đà Nẵng?
Như tôi đã nói, Sơn Trà là “lá phổi xanh” của Đà Nẵng, là điểm “cám dỗ” nhiều nhà đầu tư muốn biến Sơn Trà thành nơi hái ra tiền. Tháng 7/2016, khi Đà Nẵng chủ trương xây dựng Công viên Đại dương ở chân núi Sơn Trà (phường Mân Thái, quận Sơn Trà - PV), tôi đã gửi đơn kiến nghị lên thành phố yêu cầu xem xét lại dự án này. Bởi, dự án lấn ra một phần biển sát chân núi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến rạn san hô còn rất hoang sơ bao bọc bờ biển chân núi Sơn Trà. Nơi đây, cùng với Nha Trang, Cù Lao Chàm là những rạn san hô đẹp, đa dạng nhất Việt Nam nên cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngoài ra, việc can thiệp bằng kè biển sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy, nguy cơ làm biến dạng bờ biển Đà Nẵng, ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án đã xây dựng sát bờ biển và khu dân cư ven biển do sạt lở, xâm thực. Tôi đã cảnh báo điều này nhiều lần nhưng không nhận được hồi âm.
Sau nhiều diễn biến liên quan bản quy hoạch Sơn Trà, điều gì khiến ông thấy áp lực nhất?
Ngay khi tôi gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Sở Du lịch Đà Nẵng đã lập tức nhắc nhở rằng, tôi không thông qua Hiệp hội Du lịch mà ký văn bản với tư cách Chủ tịch Hiệp hội. May mắn là các thành viên chủ chốt của hiệp hội kịp xác nhận, họ đồng ý ủy quyền cho tôi lên tiếng. Nhưng câu chuyện chưa dừng lại, Sở Du lịch gọi tôi lên, truyền đạt ý kiến của Tổng cục Du lịch, lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu tôi thôi chức Chủ tịch Hiệp hội Du lịch vì cho rằng, tôi có những kiến nghị vượt cấp, ảnh hưởng đến nhiều mặt, trong đó có phát triển kinh tế. Ngoài ra, một số áp lực từ các cơ quan liên quan khác đã tác động mạnh đến tôi.
Không đồng ý với yêu cầu thôi chức, tôi tiếp tục có những tiếng nói, hành động mạnh mẽ bảo vệ Sơn Trà. Lúc này, gia đình tôi bắt đầu gặp rắc rối. Đã có nhiều cuộc điện thoại hăm dọa gia đình tôi, khiến ba mẹ, vợ và các con của tôi rất lo sợ. Không những thế, các nhà đầu tư của Furama resort cũng từng khuyên tôi nên dừng lại vì sợ ảnh hưởng đến công việc, cộng thêm tác động từ các cơ quan quản lý khiến tôi thấy nặng nề.
Voọc chà vá chân nâu tuyệt đẹp trên bán đảo Sơn Trà - Ảnh: Lê Phước Chín |
Tôi không đơn độc
Có khi nào, ông nghĩ mình sẽ buông xuôi, bỏ cuộc không?
Thú thật, sự sợ hãi từng xuất hiện trong tôi, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ cuộc. Bởi, bảo vệ Sơn Trà là lẽ phải, là gìn giữ báu vật thiên nhiên cho con cháu chúng ta. Xin kể câu chuyện này với bạn đọc Báo Giao thông, chiều 1/6, đang đi trên đường, điện thoại tôi reo lên, báo số lạ. Tôi không nghe máy mà yêu cầu nhắn tin. Sau 2 hồi chuông nữa không thành, “đối phương” nhắn tin thông báo tôi đến một địa chỉ cụ thể để nhận gói hàng từ TP.HCM. Đây là 1 gói vuông bọc giấy, người gửi tên “Ha Long”. Thấy lạ, tôi gọi vào những người tên Long trong danh bạ nhưng không ai xác nhận là chủ nhân gói hàng. Họ còn nhắn tôi cẩn thận với kiện hàng từ người lạ.
Sau đó, một số điện thoại khác gọi và tôi quyết định nghe máy. Đầu dây bên kia nói tiếng Anh, đại ý khuyên tôi yên tâm và cứ nhận quà, cùng tiếng cười đầy vẻ hăm dọa. Về đến nhà, tôi yêu cầu mọi người trong gia đình tránh xa để tôi mở gói hàng. May mắn thay, đó là bức tranh rất đẹp do những người bạn yêu Sơn Trà gửi cho tôi. Tôi gọi cảm ơn và tự nhủ phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với tình yêu Sơn Trà mà mọi người gửi gắm.
Quả thật, ban đầu tôi thấy hơi đơn độc, nhưng sau đó có nhiều người ủng hộ. Đặc biệt, nhiều cán bộ hưu trí, đồng đội chiến trường xưa, bạn bè cả trong và ngoài nước gửi thư, gọi điện thoại động viên đã giúp tôi có thêm động lực chiến đấu dù còn nhiều thử thách, cam go phía trước.
Theo ông, nút thắt giải quyết vấn đề Sơn Trà là gì? Nếu không xây biệt thự, resort trên Sơn Trà thì phải làm sao để biến Sơn Trà trở thành điểm tham quan, du lịch cộng đồng, kinh nghiệm các nước thế nào, thưa ông?
Nút thắt duy nhất như tôi nhiều lần phát biểu là phải giữ nguyên trạng Sơn Trà, bảo tồn nghiêm ngặt vì với tốc độ phát triển khách sạn chóng mặt tại Đà Nẵng, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu lưu trú cho du khách trong tương lai. Muốn làm được điều này, những người tham gia vào bản quy hoạch hãy dũng cảm vượt qua chính mình, thật sự khoa học và cầu thị, lắng nghe tiếng nói cộng đồng để có những bước đi sáng suốt nhất.
Cách hay nhất là biến Sơn Trà thành điểm du lịch cộng đồng như nhiều nước đã làm. Khu rừng Soignes ở Brussels, Vương quốc Bỉ được mệnh danh là rừng trong phố với hơn 8.000ha rừng, công viên cây xanh trong lòng thành phố, được bảo vệ bằng mọi giá. Không một cây nào bị chặt hạ nếu chưa được chính quyền cho phép, cấp giấy chứng nhận khai thác gỗ. Nếu Chính phủ cho phép giữ Sơn Trà tương tự như khu rừng Soignes, Đà Nẵng sẽ trở thành một thành phố hiện đại, vừa có núi rừng cực kỳ hoang dã kề bên, dòng sông Hàn thơ mộng và bãi biển sạch đẹp. Đây sẽ là thành phố độc đáo và hấp dẫn nhất hành tinh.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận