Hàng hải

Du lịch bằng đường biển còn nhiều hạn chế

25/11/2022, 16:25

Việc vận tải hành khách qua đường biển hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả khai thác loại hình du lịch tàu biển còn hạn chế.

Tháng 10 vừa qua, tàu Le Laperouse, quốc tịch Pháp trở thành tàu biển du lịch quốc tế đầu tiên chở hơn 100 du khách quốc tế đến Việt Nam sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19. Đây là sự kiện được kỳ vọng sẽ giúp ngành Du lịch tàu biển hồi sinh.

img

Le Laperouse là tàu du lịch đầu tiên đến Việt Nam sau khoảng 2 năm đại dịch Covid-19. (Trong ảnh, tàu ghé cảng Chân Mây - Huế). Ảnh. CVHHTTH

Tại dự thảo Đề án Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT lấy ý kiến nhìn nhận thẳng thắn, dù vận tải hành khách đường biển quốc tế đã có sự tăng trưởng trong nhiều năm nhưng so với du lịch bằng đường không và đường bộ, du lịch bằng đường biển ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Cụ thể, các tàu khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua chủ yếu dưới dạng quá cảnh, sau đó tiếp tục hành trình đi nước khác nên thời gian tham quan và lưu trú tại các cảng biển ở Việt Nam còn rất ngắn.

Thời gian ghé bình quân thường từ 2 - 3 ngày với số cảng ghé từ 1 - 2 cảng, thời gian neo đậu tại mỗi cảng từ 8 - 24 tiếng. Do đó, khách không có nhiều cơ hội tham quan, giải trí, mua sắm tại các điểm du lịch Việt Nam. Điều này dẫn đến hiệu quả khai thác loại hình du lịch này còn hạn chế.

img

So với các loại hình vận tải khác, vận tải hành khách bằng đường biển dù có tăng trưởng song còn nhiều hạn chế

Tại Việt Nam, có một số cảng biển đón khách du lịch quốc tế bằng tàu biển như: cảng Hòn Gai, Hải Phòng, Chân Mây, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Sài Gòn, Côn Đảo, Phú Quốc.

Trong đó, cảng Sài Gòn và cảng Đà Nẵng đón nhiều tàu nhất và thời gian tàu lưu lại cũng lâu nhất (tối đa 2 - 3 ngày), sau đó là cảng Hòn Gai và cảng Hải Phòng (tối đa là 2 ngày). Với các cảng còn lại, thời gian lưu lại rất ngắn, chỉ từ 6 - 10 tiếng.

Tuy nhiên thời gian qua, việc vận tải hành khách quốc tế bằng đường biển đã có sự khởi sắc nhất định. Từ việc chỉ ghé Việt Nam vài lần trong năm, gần đây một số hãng tàu biển đã bố trí tàu đến Việt Nam nhiều lần theo mùa (như P&O Princes, Seabourn Cruise Line, Silver Sea Cruise Line…) hay theo định tuyến (Costa Croicieres).

img

Hiệu quả khai thác loại hình du lịch bằng tàu biển còn nhiều hạn chế

Một số hãng tàu khác của Pháp, Italia, Trung Quốc cũng bắt đầu đưa khách đến Việt Nam, tạo ra nguồn khách du lịch tàu biển mới. Hiện, đa số hãng tàu bố trí cho tàu ghé Việt Nam ở nhiều cảng hơn thay vì chỉ ở 1 - 2 cảng như trước đây.

Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Giao thông, các chuyên gia cho rằng việc thu hút và phát triển thị trường vận tải hành khách quốc tế bằng đường biển không thể từ phía Việt Nam có thể quyết định.

Bởi lẽ, việc tàu biển du lịch lựa chọn Việt Nam làm điểm đến hay không phụ thuộc vào nhu cầu của hành khách, nhất là khi đây là loại hình du lịch chủ yếu dành cho những đối tượng có thu nhập cao. Do đó, việc đón tàu khách phụ thuộc vào mùa du lịch, thị hiếu và nhu cầu của các khách du lịch nước ngoài. Nếu có nhu cầu, các đơn vị vận tải hành khách đường biển sẽ thiết lập tuyến để ghé các cảng biển Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.