Làm báo cùng Giao thông

Du lịch “hành xác”: Thói quen của người Việt?

05/05/2017, 07:06

Đừng đổ cho ngành Du lịch yếu kém, nguyên nhân bắt nguồn từ chính chúng ta.

7

Biển người chen chúc ở Sầm Sơn dịp 30/4 - Ảnh: Lê Hiếu

Nhiều tờ báo đã cử phóng viên “canh me” để “săn” được bức hình đắt giá nhất về những bãi biển đông đến kinh hoàng dịp nghỉ lễ 30/4 vừa rồi. Sự “vỡ trận” đã được báo trước nhưng người ta vẫn ùn ùn đổ về Sầm Sơn, Quảng Ninh, Đồ Sơn... từ 29/4 và tất tả kéo nhau về Hà Nội vào mùng 2/5. Phải chăng, du lịch “hành xác” là thú vui của người Việt?

Khi tôi hỏi người quen “hè năm sau anh chị sẽ đi đâu?”, đa phần họ thấy tôi thật ngốc nghếch. “Năm sau thì để năm sau tính, có tiền thích đi đâu chả được”, 7/10 người được hỏi cười nhạo tôi như thế.

Người lành lành hơn thì bảo vẫn chưa tính được vì còn phụ thuộc lịch của chồng (của vợ). Không ít người bạn, sát ngày nghỉ mới alo vội vã hỏi có quen khách sạn nọ khách sạn kia không, rồi nhờ mua vé máy bay vì ở nhà mấy hôm chán quá, thôi thì đi biển cho bằng chị, bằng em.

Người bạn tôi là sếp một hãng lữ hành chia sẻ, trước ngày lễ 3-4 tháng thì mỏi mắt chờ khách, dù giá tour rất mềm. 1 tuần trước ngày nghỉ, thì nhấc điện thoại mỏi tay để... từ chối khách vì đã “cháy” vé, phòng khách sạn. Chúng tôi phải mỏi mồm mới thuyết phục được vài người chịu đến những nơi ít nổi tiếng hơn.

Đoàn Loan

Nhà báo Đoàn Loan

Anh này kể, nhiều khách quen không đặt được tour vẫn tự lái xe đi với phương châm gặp đâu ăn nấy, có phòng nào ngủ phòng đấy. Rồi chưa hết kỳ nghỉ lễ đã điện thoại than vãn, không đâu làm du lịch vớ vẩn như ở Việt Nam. Nào là không có cái để ăn, phòng hạng bét mà thu giá hạng sang...

Karlina See Kee, một người bạn Australia nói rằng ở nước cô, các gia đình lên kế hoạch du lịch ra nước ngoài trước 1 năm, nhất là các gia đình có con nhỏ. Họ thường lên mạng tìm hiểu điểm đến, từ thời tiết, văn hóa, lễ hội và lựa chọn các công ty tour có uy tín để đặt dịch vụ. Đi du lịch trong nước cũng phải chuẩn bị thông tin và đặt dịch vụ ăn, ở trước từ vài tháng đến 1 năm vì một số điểm du lịch giới hạn số người vào cắm trại.

Ngày nghỉ lễ ngắn, nhiều gia đình Australia không đến các điểm du lịch nổi tiếng để chịu cảnh chen chúc mà về vùng đồng quê, trang trại vắng vẻ để nghỉ ngơi. Thậm chí họ chỉ ra công viên gần nhà cắm trại, cả nhà có thời gian quây quần chơi đùa bên nhau.

Karlina thắc mắc Việt Nam có bờ biển dài từ Bắc đến Nam, có vùng núi bao la rất thích hợp cho du lịch nhưng không hiểu tại sao mọi người chỉ đổ về những vùng du lịch nổi tiếng? Có lẽ đó là thói quen và sở thích của người Việt?

Cá nhân tôi, 3 năm trước đã trải nghiệm đủ chuyến hành xác tại Quảng Ninh dịp 30/4. Tiền trả rồi mà bữa ăn nào cũng ngồi chờ cả tiếng mới có chỗ, đồ dọn lên món thì mặn, món nhạt. Phòng trả giá gấp 3 mà chất lượng phục vụ không như ý. Nhân viên đi lại lờ đờ không buồn động chân tay vì “ khách đông quá, em kiệt sức rồi”.

Tại sao các điểm du lịch nổi tiếng thường “thất thủ” vào dịp lễ, Tết mà hết năm này đến năm khác, người người vẫn lăn xả đến và uể oải trở về với tâm trạng bức xúc, cau có ám ảnh cả vài ngày sau.

Đừng đổ cho ngành Du lịch yếu kém, nguyên nhân bắt nguồn từ chính chúng ta. Thói quen thiếu sự chuẩn bị cho chuyến đi và chấp nhận dịch vụ kém chất lượng đã biến sự hành xác thành điều gì không quá ghê gớm. Ít ai nghĩ rằng, khi các điểm du lịch quá tải thì ngoài việc phải chen lấn nhau thì tiềm năng du lịch nơi đó dễ bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị tàn phá. Và những cơ sở du lịch, họ bắt chẹt được ta năm này, thì năm sau không lẽ gì lại tự nhiên phải thay đổi. Nếu chúng ta không cho họ cơ hội được làm ăn chụp giật, bát nháo, mọi chuyện sẽ khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.