Du lịch

Du lịch mùa cao điểm: Doanh nghiệp "quay cuồng" trong bão giá

24/06/2022, 18:26

Bão giá đang tấn công vào tất cả các hoạt động đời sống kinh tế, xã hội... Ngành du lịch ngày "mùa vàng" cũng "méo mặt" vì giá xăng tăng phi mã.

Chưa kịp thu đã chịu lỗ vốn

Mùa hè là vốn được coi "mùa vàng" của doanh nghiệp lữ hành, nhất là ở giai đoạn phục hồi và nhu cầu thị trường đang cao.

Tuy nhiên, sau 2 mùa hè "ngậm đắng nuốt cay" vì làn sóng Covid-19, doanh nghiệp lại phải đương đầu với cú sốc tăng giá xăng phi mã, vượt 32.000 đồng/lít, kéo theo chi phí đầu vào tất cả các dịch vụ tăng cao.

img

Du khách trải nghiệm bơi thuyền kayak ở Phú Quốc

Bà Nguyễn Thảo - đại diện Công ty du lịch Đường Sắt Mới cho biết, hãng lữ hành này dự kiến phục vụ hơn 500.000 lượt khách trong mùa hè 2022.

Con số này có thể cao hơn do nhu cầu của thị trường về du lịch trong và ngoài nước vẫn đang tăng. Hơn nữa, hậu Covid-19 du khách có tâm lý đặt tour, dịch vụ sát ngày khởi hành.

Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, tình hình sắp tới cũng không mấy khả quan khi giá xăng tăng từng ngày, từng giờ khiến doanh nghiệp cũng như đang "ngồi trên đống lửa".

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 2,25%, tức gần gấp đôi mức 1,29% của năm 2021.

"Giá xăng dầu tăng cũng tác động trực tiếp đến khối dịch vụ di chuyển, lưu trú.

Đơn cử, giá vé máy bay khứ hồi thời điểm hiện tại rẻ nhất trên các chặng bay nội địa trong cao điểm hè 2022 đã lên mức 2,5-4 triệu đồng, cao hơn khoảng 500.000 đồng so với những cao điểm hè trước đó.

Đầu tháng 6, Cục Hàng không đã đề xuất tăng mức trần giá vé lên 4 triệu đồng mỗi chiều", bà Thảo cho hay.

Theo khảo sát, chặng bay TP.HCM - Phú Quốc, giá vé dao động 3 - 3,5 triệu đồng (Vietjet Air); 3 - 3,7 triệu đồng (Vietnam Airlines); 3 - 4,5 triệu đồng (Bamboo Airway); 3,3 triệu đồng (Viettravel Airlines). Ở chặng bay Hà Nội - Phú Quốc, chuyến khứ hồi rẻ nhất rơi vào khoảng 2,6 triệu đồng của Vietjet. Giá vé của Bamboo và Vietnam Airlines khoảng 5 - 8 triệu đồng khứ hồi.

Giá cả leo thang, nhưng ông Phạm Hà, CEO của tập đoàn Lux Group thừa nhận, với các tour đã ký kết với khách hàng (tour trọn gói), đơn vị không phụ thu thêm được nên buộc phải chịu lỗ.

“Với những tour trọn gói đã chốt, giá tour không thay đổi. Nhưng các dịch vụ tour khởi hành mới trong thời gian tới, đi hoặc đáp ứng nhu cầu của khách đặt tour lẻ phát sinh phải tính toán lại giá.

Bởi các dịch vụ khác trong chuỗi cung ứng như vận chuyển, nhà hàng, lưu trú đã tăng từ 10% đến 30%”, ông Hà nói thêm.

Chật vật tìm kế "hút" khách

Ông Phạm Hà đánh giá, thời điểm này vẫn đang là giai đoạn phục hồi của ngành, doanh nghiệp rất muốn duy trì mức giá thấp hoặc chương trình khuyến mại để kích cầu nhưng trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng mạnh hiện nay là rất khó.

Tình hình này khiến doanh nghiệp lữ hành lo ngại lượng khách có thể giảm và "hạ nhiệt" trong thời gian tới. Trong khi đó, bản thân doanh nghiệp rất đau đầu trong việc xây dựng giá tour, giá tour cao thì khách hàng sẽ quay lưng, còn nếu giá tour thấp thì các công ty phải chịu thiệt.

img

Điểm du lịch Cầu Vàng (Đà Nẵng)

Theo ông Hà, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp lữ hành phải đối mặt không chỉ là thay đổi giá tour, mà còn là khả năng giảm thu hút khách, nhất là trong điều kiện người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do dịch Covid-19.

"Sau cùng, các công ty lữ hành vẫn buộc phải xây dựng giá tour cao theo giá xăng dầu. Điều này sẽ khiến chúng ta mất lợi thế điểm đến quốc gia, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch mở cửa. Nhất là trong bối cảnh thị trường quốc tế phục hồi rất chậm, năm 2022, thị trường nội địa vẫn sẽ là lối thoát của ngành kinh tế xanh. Do đó, rất cần những chính sách kiểm soát tăng giá xăng dầu hiệu quả từ các cơ quan chức năng", ông Hà bày tỏ.

Đồng quan điểm, bà Thảo cho rằng: "Nếu các cơ quan hữu quan không có chính sách kiểm soát giá cả (đặc biệt là giá xăng dầu) hiệu quả, nạn “chặt chém” phát sinh, dẫn đến tình trạng “loạn giá”, thả nổi thị trường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của du khách".

Trong bối cảnh khó chồng khó, các doanh nghiệp mong mỏi Nhà nước sẽ kéo dài chính sách cơ cấu nợ vay ngân hàng, duy trì mức lãi suất ổn định, triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất sớm.

Đồng thời, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về visa, khách du lịch quốc tế… để thu hút du khách đến nhanh và đến nhiều hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.