Xã hội

Du lịch phải gắn với tuyên truyền chủ quyền biển đảo

10/04/2016, 08:24

“Đào tạo nhân sự cho ngành Du lịch cần phải gắn liền với tuyên truyền chủ quyền biển Đông”...

25

Du lịch phải gắn với tuyên truyền chủ quyền biển đảo - Ảnh minh họa

“Đào tạo nhân sự cho ngành Du lịch cần phải gắn liền với tuyên truyền chủ quyền biển Đông”, đó là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Di sản văn hóa biển trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” vừa được Đại học Quảng Nam (Quảng Nam) tổ chức.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - Đại học Khoa học Huế, để người dân an tâm bám biển lâu dài thì Nhà nước và các tổ chức xã hội cần có nhiều hoạt động tuyên truyền để lưu giữ bảo tồn văn hóa của cư dân biển. Thực tế cho thấy, người dân vốn sẵn “chất biển” trong huyết quản và các hoạt động tuyên truyền phải phát huy hơn nữa tinh thần ấy, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc càng ngày có nhiều hoạt động ngang ngược.

Chung quan điểm, PGS.TS. Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, công tác du lịch nên gắn liền với truyền bá chủ quyền biển Việt Nam đối với khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu… trong đó, tập trung vào những vấn đề chủ yếu liên quan đến giá trị văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội vùng biển đảo; Khai thác di sản văn hóa biển hướng tới phát triển du lịch ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

“Khi du lịch ngày một phát triển, càng chuyên nghiệp thì chúng ta có thể thấy rõ di sản văn hóa biển có vai trò to lớn đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Về kinh tế, là sự hình thành các hình thức mưu sinh, sự ra đời và phát triển các loại hình du lịch. Về xã hội, là củng cố và gắn kết cộng đồng. Về chính trị, là sự khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Về quản lý là thúc đẩy năng lực quản lý cộng đồng”, ông Đính nhấn mạnh.

Để làm được điều đó, Th.S. Huỳnh Thanh Siêng, Khoa Văn hóa - Du lịch, Đại học Quảng Nam nêu ý kiến, công tác đào tạo sinh viên ngành du lịch cần phải gắn liền với tuyên truyền chủ quyền biển Đông. Ông Siêng nói: “Đơn cử như đào tạo ngành Việt Nam học (cử nhân Văn hóa - Du lịch), cử nhân lịch sử, địa lý cần phải để sinh viên thấu hiểu rõ về chủ quyền biển đảo. Khi ra trường, những người được đào tạo ấy sẽ là một trong những kênh tuyên truyền đến du khách về nội dung này...”.

Th.S. Đoàn Sung, chuyên gia khảo cổ học Quảng Nam bổ sung thêm, cuộc khai quật khảo cổ học trong con tàu cổ đắm Cù Lao Chàm, đã đóng góp vào ngân hàng cổ vật ở Việt Nam gần 260 nghìn hiện vật. Bên cạnh việc thu được các tư liệu nghiên cứu khoa học, thì đây cũng là minh chứng cho việc thông thương của con đường tơ lụa trên biển Đông; Cũng như phản ánh một cách sinh động về một giai đoạn trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, đây còn là một minh chứng khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. “Đây là một trong những sử liệu quý bằng hiện vật giúp quảng bá Biển đảo Việt Nam tốt nhất. Thông qua đó, người làm du lịch chính là người tuyên truyền sử liệu đến với nhiều tầng lớp nhân dân và du khách nước ngoài…”, Th.S Đoàn Sung khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.