Du lịch

Du lịch thông minh kết nối di sản tạo sức hút của Việt Nam trong khối ASEAN

08/12/2020, 12:03

Việt Nam có thế mạnh về di sản và đang trong quá trình thực hiện cách mạng 4.0, tranh thủ lợi thế dẫn dắt hợp tác trong ASEAN về du lịch...

img

Việt Nam tự hào với 22 di sản được UNESCO vinh danh

Những thị trường nguồn lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN

ASEAN được coi là một trong những thị trường, đối tác quan trọng nhất của du lịch Việt Nam. Trong năm 2019, khách từ ASEAN tới Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt, chiếm khoảng 11,6% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Nếu tính cả các nước đối tác chính (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga) thì thị trường nguồn ASEAN và các nước đối tác chính chiếm khoảng 77,5% tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam năm 2019.

Cụ thể, các thị trường nguồn lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN năm 2019 bao gồm: Malaysia (đạt 606.206 lượt, chiếm 3,4% tổng lượng khách), Thái Lan (đạt 509.802 lượt, chiếm 2,8% tổng lượng khách), Singapore (đạt 308.969 lượt, chiếm 1,7% tổng lượng khách), Campuchia (đạt 227.910 lượt, chiếm 1,3% tổng lượng khách).

Cũng trong năm 2019, khách du lịch Việt Nam đến các nước ASEAN đạt gần 4,1 triệu lượt, nhiều nhất là Thái Lan, Lào, Campuchia, và Singapore.

Do đó, một số nước ASEAN như: Thái Lan, Singapore, Malaysia vừa là thị trường nguồn, vừa đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Ông Trần Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch nhận định: Hội nhập về sản phẩm du lịch trong ASEAN đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Việt Nam hiện nay và tranh thủ được các nguồn khách nối tour trong khu vực để qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch khu vực ASEAN nói chung và khả năng kết nối khách giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và ngược lại.

Mặt khác, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch của Việt Nam cũng đã tăng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch trong và ngoài khu vực ASEAN về cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ lưu trú du lịch, chất lượng dịch vụ, chất lượng và sự đa dạng của ẩm thực trong sản phẩm du lịch, đặc biệt là đối với phân đoạn thị trường chất lượng cao, tập trung ở các trung tâm du lịch lớn trong nước.

Ông Cường cũng cho biết, Việt Nam đã tranh thủ được khá tốt hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong khu vực để thu hút khách du lịch đến Việt Nam do tham gia đầy đủ các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chung trong ASEAN.

Hình ảnh và vị thế của Du lịch Việt Nam trong khu vực ASEAN được nâng lên do sự chủ động tổ chức và khởi xướng các sự kiện, hoạt động xúc tiến du lịch liên kết với các nước ASEAN. Thương hiệu quốc gia từng bước được cải thiện do các hoạt động tích cực của ngành Du lịch và các hoạt động xúc tiến quảng bá.

“Năng lực cạnh tranh trong khu vực của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng được nâng lên trên cơ sở sự liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo mô hình Lữ hành - Hàng không - Khách sạn.

Các loại hình doanh nghiệp khác tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch như vận chuyển (hàng không, đường bộ, đường biển, đường thủy), nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí… ngày một gia tăng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu kết nối giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN cũng như góp phần đảm bảo năng lực cung ứng dịch vụ du lịch và gia tăng tính hấp dẫn, đa dạng của sản phẩm, dịch vụ du lịch khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng”, ông Cường phân tích.

img

Năm 2000, vịnh Hạ Long tiếp tục được UNESCO công nhận lần thứ hai là Di sản địa chất thế giới

Kết nối du lịch thông minh với di sản

Tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019, chủ nhà Việt Nam trên cơ sở thỏa thuận với các nước thành viên đã đưa ra sáng kiến về kết nối di sản của ASEAN trong kỉ nguyên số nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc thu hút khách đến khu vực ASEAN.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, nội khối ASEAN đã có 32 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Việc kết nối các di sản này trong kỉ nguyên số là tiếp nối ý tưởng từ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) năm 2018 với thông điệp xuyên suốt “Cách mạng công nghiệp 4.0 là tương lai của ASEAN”.

“Việt Nam có thế mạnh về di sản và đang trong quá trình thực hiện cách mạng 4.0 nên tranh thủ xu hướng này để dẫn dắt câu chuyện hợp tác trong ASEAN về du lịch”, ông Tùng nhấn mạnh và cho biết: “Việc kết nối giữa doanh nghiệp du lịch của Việt Nam và ASEAN với doanh nghiệp du lịch từ các thị trường, nguồn khách trên thế giới được tăng cường sẽ tạo tiền đề tăng trưởng hơn nữa luồng khách du lịch trong nội khối ASEAN và từ các thị trường nguồn khác tới khu vực”.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, với Tuyên bố du lịch số ASEAN, sau khi đã hình thành số hóa tài nguyên du lịch quốc gia, mỗi thành viên có thể mở cửa dữ liệu trong tiều vùng hay cả khối trên cơ sở tự nguyện và theo quy chế chung. Đây cũng chính là xu hướng du lịch kết nối và du lịch số trong bối cảnh hiện nay.

“Nếu làm được chúng ta sẽ có dữ liệu lớn về tài nguyên đầu vào du lịch, kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và các phần mềm ứng dụng…tất cả sẽ biến thành thông tin hữu ích phục vụ kết nối doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị quản lý và đặc biệt là tăng sự trải nghiệm cho khách du lịch”, ông Siêu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.