Trong đợt nghỉ lễ, các địa phương trên cả nước đã tăng cường liên kết, xây dựng sản phẩm du lịch mới, chỉnh trang lại không gian tại các cơ sở lưu trú và khu điểm du lịch để thu hút du khách. Thị trường du lịch có tín hiệu hồi sinh sau 2 năm "đóng băng" vì Covid-19.
Các hãng hàng không đồng loạt tăng chuyến, tăng giờ bay
Nhiều địa phương thu về nghìn tỷ
Báo cáo tình hình phục vụ khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 của Tổng Cục Du lịch do Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh ký ngày 4/5 cho thấy, trong 4 ngày nghỉ lễ, ngành du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22 nghìn tỷ đồng.
Một số tỉnh/thành phố đã đạt và vượt chỉ tiêu phục vụ khách du lịch so với cùng kỳ năm 2021. Tiểu biểu như: Thanh Hóa (898.000 lượt khách – tổng thu 1.960 tỷ đồng), TP. Hồ Chí Minh (620.000 lượt khách - tổng thu 1.610 tỷ đồng), Hà Nội (hơn 550.000 lượt khách - tổng thu trên 1,5 nghìn tỷ đồng), Cần Thơ (395.000 lượt khách - tổng thu đạt 181 tỷđồng)…
Nhiều địa phương có những sản phẩm du lịch mới, chương trình nghệ thuật để thu hút du khách
Đặc biệt, số lượng khách du lịch quốc tế cũng đã tăng lên sau khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch từ ngày 15/3/2022.
Đà Nẵng đã đón 18 chuyến bay quốc tế từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, tổng số khách quốc tế đạt khoảng 7,4 nghìn lượt, tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm 2021. Hải Phòng đón 4,5 nghìn lượt khách quốc tế. Đây được đánh giá là tín hiệu tốt cho mùa du lịch inbound của Việt Nam năm nay.
Đối với tour đưa khách ra nước ngoài (outbound) cũng bắt đầu được du khách lựa chọn. Thị trường được du khách ưa thích là Dubai, UAE (tổng tháng 3-4/2022 khoảng 5.000 khách).
Một số thị trường bắt đầu mở lại từ giữa và cuối tháng 4/2022 như Thái Lan, Singapore, EU... nên chưa nhiều khách, chủ yếu vẫn là khách đi công tác kết hợp du lịch.
Tổng doanh thu từ du lịch trong đợt lễ đã đạt 22.000 tỷ đồng
Trong đợt nghỉ lễ, các hãng hàng không lớn trong nước đều đồng loạt tăng chuyến, tăng giờ bay trên tất cả các chặng bay nội địa. Các hãng khai thác gần 1.000 chuyến bay/ngày, tương đương cùng kỳ năm 2019 và tăng khoảng 30% so với ngày thường.
Trong đó, Vietjet Air chiếm gần 39% số chuyến, Vietnam Airlines chiếm hơn 37%, Bamboo Airways chiếm gần 14%. Tỷ lệ đặt chỗ bình quân các chuyến bay nội địa đã đạt trên 70%.
Riêng trong ngày 3/5, sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã đón gần 174.000 hành khách, với các khung giờ cao điểm liên tiếp từ 12h đến 18h.
Đường sắt cũng chạy tăng cường thêm 25 đoàn tàu, tập trung các chặng từ Hà Nội và TP.HCM đi các tỉnh như Hải Phòng, Bình Định, Thừa Thiên - Huế. Mô hình tàu thuê nguyên chuyến (tàu charter) phát huy hiệu quả bước đầu thu hút khách du lịch tại một số địa phương miền trung như Nghệ An, Quảng Bình.
Thiếu nhân sự, chất lượng dịch vụ còn yếu
Tuy đã có những bước khả quan, nhưng theo đánh giá của Tổng Cục Du lịch, chất lượng nhân lực ngành du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Vì tuyển gấp và một phần lấy từ dân địa phương chưa qua đào tạo, chất lượng phục vụ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách. Do vậy, vẫn nhiều trường hợp phản ánh của người dân, du khách về chất lượng dịch vụ phục vụ khách.
Nhiều nơi còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông
Cùng đó, tình trạng ùn, tắc cục bộ trên các tuyến đường tới khu, điểm du lịch vẫn chưa được cải thiện. Sau đợt dịch bệnh Covid-19, xu hướng du lịch đã chuyển từ đi theo tour/tuyến sang đi tự túc bằng xe cá nhân, từ đi xa sang đi gần.
Bởi vậy, số lượng xe lưu thông cũng tăng đột biến, cùng tình hình thời tiết bất thường khiến tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài hàng giờ đồng hồ, gây khó khăn cho việc đi lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận