Thị trường

Du lịch Việt làm gì để đón 8 triệu khách quốc tế?

08/02/2023, 06:00

Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế. Vậy các DN lữ hành, khách sạn trong nước đã chuẩn bị cho việc này ra sao?

Du lịch “bội thu” dịp đầu năm

img

Mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2023 gặp khá nhiều thách thức (Trong ảnh: Du khách quốc tế trải nghiệm gói bánh tẻ tại Làng cổ Đường Lâm)

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, trong tháng 1/2023, ngành du lịch Việt Nam đã đón 13 triệu lượt khách nội địa, gấp gần 1,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 4,5 triệu lượt khách lưu trú.

Đây là lượng khách nội địa cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Riêng khách quốc tế đạt gần 872.000 lượt, tăng 23,2% so với tháng 12/2022.

Các thị trường lớn gồm: Hàn Quốc (gần 259.000 lượt), Mỹ (gần 78.000), Thái Lan (gần 55.000), Australia (khoảng 44.000), Nhật Bản (khoảng 34.000).

Khách du lịch tăng mạnh giúp doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong tháng đầu năm 2023 ước đạt 56.000 tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu du lịch lữ hành cũng đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng thu từ khách du lịch tháng đầu năm ước đạt 46.000 tỷ đồng. Riêng tuần nghỉ Tết Quý Mão, toàn quốc ước phục vụ 9 triệu lượt khách nội địa, tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam dịp Tết tăng mạnh so với dịp Tết Dương lịch 2023.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ ngày 8/1/2023 đã khiến thị trường du lịch quốc tế sôi động, nhộn nhịp hơn. Các cơ sở lưu trú ghi nhận số lượng đặt phòng của khách quốc tế đạt 30 - 40% tổng lượng đặt phòng dịp Tết.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Dự báo năm 2023 hứa hẹn có nhiều bứt phá cả về số lượng khách và doanh thu”.

Kỳ vọng thị trường du khách Trung Quốc

img

Khách quốc tế hào hứng trải nghiệm đạp xe tại Hội An

Tổng cục Du lịch cho rằng, việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh từ ngày 8/1 là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm 2023.

Trung Quốc vốn là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam) và số người dân Việt Nam đi du lịch Trung Quốc đạt khoảng 4,5 triệu lượt, đứng đầu danh sách khách đi du lịch nước ngoài của Việt Nam.

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh này, đại diện các đơn vị lữ hành như Vietravel, Viettourist… đều thừa nhận, khách Trung Quốc là nguồn quan trọng để ngành du lịch đạt chỉ tiêu 8 triệu lượt, khi các thị trường khách châu Âu và Nga chưa có tín hiệu phục hồi. Đây vừa là thuận lợi và khó khăn đối với doanh nghiệp và cả ngành.

Các doanh nghiệp đều trông chờ một chính sách quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế quy mô quốc gia thật bài bản để tạo đột phá trong việc đón khách quốc tế.

Cần thay đổi chính sách visa

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực mở cửa du lịch từ tháng 3, nhưng hết năm chỉ đạt được khoảng 70% lượng khách quốc tế so với mục tiêu đề ra, không có thị trường trọng điểm nào phục hồi được mức 50%. Trong khi đó, các quốc gia khác ở Đông Nam Á đều đã hoàn thành kế hoạch.

Đến đầu năm 2023 khách quốc tế đang trở lại, nhưng theo Tổng cục Thống kê, lượng du khách tới Việt Nam trong tháng 1/2023 vẫn giảm 42% so với cùng kỳ năm 2019 (trước thời điểm dịch Covid-19).

Là chủ một doanh nghiệp chuyên thị trường quốc tế, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho rằng, ngành du lịch cần xây dựng lộ trình phục hồi tổng thể cho năm 2023, đòi hỏi tất cả bộ, ban, ngành vào cuộc, trong đó các vấn đề quan trọng cần được giải quyết gồm quản lý điểm đến theo quy chuẩn, định vị lại thương hiệu du lịch Việt Nam, khắc phục ngay nguồn nhân lực thiếu và yếu…

Ông Hà cũng cho rằng, thay vì chỉ tập trung vào hoàn thành con số, chúng ta nên làm sao để khách chi tiêu nhiều hơn, ở dài ngày hơn, khiến họ cảm thấy vui sau chuyến đi, muốn quay lại hay giới thiệu cho bạn bè, người thân về Việt Nam.

Vấn đề visa của khách hàng cũng là điều ông Hà và nhiều đại diện doanh nghiệp lữ hành trăn trở.

Thực tế cho thấy, các nước trong khu vực đều cạnh tranh về chương trình visa, trong khi đó Việt Nam chưa có thay đổi gì về chính sách visa trong một năm qua.

“Ví dụ, Thái Lan điều chỉnh liên tục chính sách visa từ khi mở cửa, mới nhất là cho phép khách du lịch lưu trú tới 45 ngày hoặc 90 ngày, xuất nhập cảnh nhiều lần.

Chúng ta cần đột phá về chính sách visa, ví dụ như cho phép khách lưu trú 6 tháng đến một năm, tùy độ tuổi hoặc quốc tịch để thu hút khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn”, ông Hà đề xuất.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, với mục tiêu lớn trong năm 2023, ngành du lịch xác định đây là thách thức không nhỏ và cần nhiều giải pháp mang tính chiến lược, đồng bộ từ cơ quan quản lý đến các đơn vị kinh doanh du lịch.

Hiện, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch thúc đẩy việc đón khách quốc tế trong năm 2023. Trong đó sẽ có nhiều sự kiện xúc tiến, quảng bá tại các diễn đàn, hội nghị du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng, các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu lại tâm lý, xu hướng du lịch của khách quốc tế để xây dựng nhiều sản phẩm chuyên biệt, hấp dẫn hơn và tham mưu, đề xuất thay đổi chính sách visa sao cho phù hợp.

Theo dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, Bộ Công an cần triển khai thực hiện chính sách tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày đối với các nước đã được áp dụng chính sách miễn thị thực; cải tiến quy trình, thủ tục cấp thị thực điện tử; đơn giản hóa quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, hải quan tại cửa khẩu, bảo đảm nhanh chóng và tiện lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.