Du lịch

Du lịch Việt Nam cần làm gì để vượt qua "cú sốc" Covid-19?

24/09/2020, 21:38

Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra tại buổi tọa đàm “Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.

img
Du lịch Việt Nam ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19

Chiều 24/9, Tổng cục Du lịch tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Đây là sự kiện nhằm “đánh thức” ngành du lịch vốn đang gặp nhiều khó khăn do đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh: “Trong quý II ngành du lịch nội địa phục hồi ngoạn mục. Tuy nhiên, đến tháng 7 dịch bùng phát trở lại, ngành du lịch lại vấp phải khó khăn, phải dừng hoạt động. Trong bối cảnh đó, các bên đều trăn trở, suy nghĩ để tìm ra giải pháp đưa ngành du lịch phục hồi lại. Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ song ngành du lịch cần tự nỗ lực để phục hồi như đợt kích cầu lần một.

Trước nhu cầu của doanh nghiệp, kích cầu du lịch sẽ kéo theo sự khởi sắc của ngành cuối năm 2020. Chương trình kích cầu lần hai này, đảm bảo an toàn là trên hết. Các đơn vị đảm bảo du lịch an toàn, khách du lịch có ý thức rõ nét an toàn. Bên cạnh an toàn là chính, cần có yếu tố hấp dẫn”.

Cũng theo ông Siêu, các địa phương phát huy chủ động, sáng tạo cùng nhau xây dựng gói kích cầu, chương trình du lịch hấp dẫn, sản phẩm mới.

“Giai đoạn trước có những sản phẩm tốt nhờ liên minh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Lần này, chúng ta cần phát huy, có liên minh để cho ra đời sản phẩm hấp dẫn, linh hoạt, đảm bảo dịch vụ hoàn hủy, tạo sự an tâm, tự tin cho du khách trong thời điểm tới.

Từ ngày 15/9, Việt Nam nối lại các đường bay quốc tế, khách quốc tế sẽ vào Việt Nam, ngành du lịch không chỉ hướng đến khách hàng nội địa mà còn hướng đến du khách nước ngoài trong đợt kích cầu này. Hy vọng chúng ta sẽ đạt kết quả tốt”, ông Siêu nói.

Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, nếu muốn kích cầu hiệu quả, chúng ta nghĩ giải pháp xa hơn, tốt hơn để giải quyết ảnh hưởng, sống chung với dịch.

“Tháng 5, 6 khi dịch đợt một giảm, Tổng cục Du lịch đã phát động kích cầu, các bên đưa ra nhiều giải pháp nhưng lần này đã không còn phù hợp. Đợt kích cầu lần này, giá không thể thấp hơn, doanh nghiệp đang kiệt sức nên sẽ có nhiều khó khăn hơn.

Để giải quyết tình trạng này, doanh nghiệp nên tập trung vào chất lượng dịch vụ. Du khách phải được phục vụ tốt, đưa ra sản phẩm mới nhất hoặc được làm lại mới nhất, đưa khách đến những chỗ mới, chưa đến...

Bên cạnh đó, ngành du lịch có thể đề xuất chính phủ quan tâm bằng cách giảm thuế VAT, thuế thu nhập, lùi thời gian nộp thuế, cho vay tiền... Hiện nay, 10 - 15% doanh nghiệp giải thể, người lao động vẫn chưa tiếp cận được nhiều đến chính sách hỗ trợ của nhà nước", ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, chính quyền địa phương cũng cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, giảm phí tham quan, vé, lệ phí hoạt động để các doanh nghiệp có động lực tiếp tục hoạt động. Về doanh nghiệp, hãy tư duy theo cách mới, tiếp cận khách hàng theo cách mới. Có thể tìm hiểu hệ thống tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp cận công nghệ mới để phát triển. Doanh nghiệp nên chuyển đổi số để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh để lại.

img
Hệ thống du lịch, nghỉ dưỡng Vinpearl có nhiều ưu đãi hấp dẫn

Về các yêu cầu về an toàn với dịch vụ, sản phẩm của ngành du lịch, bà Lưu Hương Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn Tổng cục Du lịch chia sẻ: “Tổng cục Du lịch ban hành hướng dẫn các quy định du lịch an toàn. Trong đó quy định, đối với các cơ sở lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch cần chấp hành phòng Covid, bố trí nơi đón tiếp, ra vào, tổ chức đo thân nhiệt với khách, phát khẩu trang, bố trí bồn rửa tay tại các khu vực công cộng tại cơ sở lưu trú.

Các đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện phun tại phòng của khách, bố trí trang thiết bị cá nhân cho từng khách hàng, đo thân nhiệt cho cán bộ nhân viên, nhắc nhở khách, nhân viên tuân thủ quy định, khách nghi ngờ nhiễm bệnh, cơ sở kinh doanh báo cho địa phương.

Với khách du lịch, sử dụng dịch vụ du lịch, cũng cần tuân theo hướng dẫn theo Bộ Y tế như tuân thủ đeo khẩu trang. Nhân viên cơ sở du lịch thông báo với cơ quan chức năng nếu phát hiện hành khách có dấu hiệu nhiễm bệnh”.

Có mặt tại buổi tọa đàm, đại diện ngành du lịch các địa phương, nhiều doanh nghiệp cũng thực hiện cam kết thực hiện du lịch hấp dẫn an toàn. Bên lề tọa đàm, các doanh nghiệp cũng công bố những chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Đại diện Tập đoàn Vingroup, đơn vị sở hữu hai thương hiệu Vinpearl và VinWonder cho biết: “Xuyên suốt thời gian qua, chúng tôi luôn chủ động tuân thủ các yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Hệ thống kiểm soát "lá chắn ba lớp" luôn được duy trì 24/24 tại tất cả các khu vực, cơ sở Vinpearl - VinWonders, bao gồm: Kiểm soát khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt và các dấu hiệu lâm sàng đối với du khách, nhân viên; Thường xuyên khử khuẩn các khu vực trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng, đặc biệt là không gian chung và Yêu cầu đeo khẩu trang, thực hiện phân luồng giãn cách tối thiểu 1 mét khi di chuyển.

Vinpearl là thương hiệu nội địa tiên phong xây dựng, phát hành bộ tiêu chuẩn tăng cường “Safe to stay” với 10 yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt dành cho công tác vệ sinh phòng nghỉ, và tất cả các khu vực công cộng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.