Du lịch

Du lịch Việt Nam gian nan vượt khó

15/01/2016, 19:18

Năm 2015 du lịch Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

KDLHaNoi6

Năm 2015, Việt Nam đã đón hơn 7,94 triệu lượt khách quốc tế (Ảnh minh họa: Tổng cục du lịch)

Gian nan vượt khó

Chiều 15/1/2016, Tổng cục Du lịch đã tổ chức họp báo tổng kết hoạt động du lịch năm 2015 và triển khai nhiệm của năm 2016.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, năm 2015 ngành du lịch đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tính đến tháng 6/2015, số lượng khách du lịch quốc tế giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2014, sau chuỗi 13 tháng liên tiếp giảm liên tục do tác động từ một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nga, ASEAN.

Tuy nhiên, từ tháng 7/2015, khách quốc tế đã tăng trưởng liên tục, với tốc độ cao. Kết thúc năm 2015, Việt Nam đã đón hơn 7,94 triệu lượt khách quốc tế, tăng 0,9% so với năm 2014. số lượng khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỷ đồng.

Năm 2015, số lượng khách du lịch từ Hàn Quốc tăng 31,3%, Đài Loan tăng 12,8%, Nhật Bản tăng 3,6%. Khách du lịch Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh vào cuối năm sau nhiều tháng sụt giảm. Đáng chú ý, số lượng khách du lịch từ các nước Tây Âu được miễn thị thực nhập cảnh từ tháng 7/2015 tăng trưởng đáng kể.

Chia sẻ về một năm khó khăn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, mặc dù 6 tháng đầu năm lượng khách giảm tới gần 12%, nhưng 6 tháng cuối năm ngành du lịch đã vượt khó để tăng trưởng, lấp bù toàn bộ sự sụt giảm và có dư 1 chút, đó là những nỗ lực rất lớn của ngành.

“Đặc biệt, chính trong thời điểm khó khăn nhất, ngành du lịch nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt hiệu quả từ Chính Phủ, sự hỗ trợ từ các bộ ngành, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an. Những thay đổi trong kết cấu hạ tầng, nâng cấp chất lượng hạ tầng giao thông là điều kiện thuận lợi để nâng cao được năng lực và sự cạnh tranh của ngành du lịch” - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định.

Sự phục hồi của ngành du lịch trong năm 2015 được xem là tiền đề cho sự tăng trưởng với kỳ vọng ở mức 2 con số thời gian tới.

Trong năm 2016, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách nội dịa, tổng thu từ khách du lịch đạt 370 nghìn tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu đề ra, người đứng cầu Tổng cục Du lịch chia sẻ hy vọng được sự hỗ trợ của các các địa phương, doanh nghiệp và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan: “Trong hành trình nhọc nhằn, có đôi khi tôi đã phải nói rằng chúng tôi rất cô đơn. Bởi du lịch là một ngành tổng hợp, nếu như xã hội không chung tay hỗ trợ để đảm bảo sự phát triển đồng bộ trên tất cả các yêu tố để cung ứng đầu vào cho sản phẩm du lịch thì chúng tôi không thể hoàn thành được sứ mệnh của mình.”

Hướng tới tiêu chuẩn nghề

Cũng tại cuộc họp báo, Dự án “Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do Liên minh châu Âu tài trợ (gọi tắt là Dự án EU-ESRT) đã chính thức bàn giao bộ tài liệu song ngữ “Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam - VTOS phiên bản 2013” cho Tổng cục Du lịch.

IMG_5049
Bộ tài liệu song ngữ “Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam - VTOS phiên bản 2013” được bàn giao cho ổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn.

Bộ tiêu chuẩn phiên bản mới bao gồm sáu lĩnh vực nghề chính là Lễ tân, Phục vụ buồng, Phục vụ nhà hàng, Chế biến món ăn, Điều hành Du lịch & Đại lý lữ hành và Hướng dẫn du lịch. Ngoài ra, Bộ tiêu chuẩn cũng được xây dựng mở rộng cho bốn lĩnh vực nghề chuyên biệt đáp ứng các nhu cầu cao của ngành gồm Thuyết minh du lịch, Phục vụ trên tàu thủy du lịch, Quản lý khách sạn và Vận hành cơ sở lưu trú nhỏ.

Tiêu chuẩn VTOS phiên bản 2013 được xây dựng tương thích với Tiêu chuẩn Năng lực chung về nghề Du lịch trong ASEAN và đáp ứng các quy định của Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP), đảm bảo yêu cầu hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN từ năm 2016.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định sẽ sớm nâng cấp VTOS thành bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia để được ASEAN thừa nhận trong lĩnh vực du lịch. Khi đạt được các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn này, lao động của Việt Nam hoàn toàn có thể tự do dịch chuyển sang các nước ASEAN để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.