Thị trường

Dự thảo Luật Cạnh tranh: “Dùng ông bé xử lý ông to”, được không?

15/09/2017, 07:43

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật băn khoăn về việc: “Luật này đang thiết kế kiểu “dùng ông bé xử lý ông to”.

12

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu thảo luận

Sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến vào dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định băn khoăn khi dự thảo bổ sung một nội dung rất rộng là cơ quan quản lý cạnh tranh xử lý cả cơ quan Nhà nước ban hành các văn bản hành chính, các quyết định làm hạn chế cạnh tranh.

Có quyền “thổi còi” cả Thủ tướng, Bộ trưởng?

Theo báo cáo thẩm tra, đa số các ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành mở rộng đối tượng áp dụng như quy định tại Điều 2 dự thảo luật. Theo đó, Luật Cạnh tranh được áp dụng đối với mọi đối tượng liên quan đến cạnh tranh trên thị trường, trong đó bao gồm cả cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính…

Theo giải trình của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, một trong những lý do mở rộng đối tượng là trên thực tế xảy ra nhiều trường hợp cơ quan quản lý nhà nước ở một số địa phương đã ban hành các văn bản có tác động hạn chế cạnh tranh. Ví dụ như yêu cầu cơ quan tổ chức, cá nhân trong tỉnh chỉ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp (DN) được chỉ định hoặc phân biệt đối xử, tạo lợi thế cạnh tranh cho một số DN.

Đồng tình với quan điểm này, các ý kiến trong Ủy ban TVQH đánh giá đây là điểm mới, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là việc mở rộng đối tượng đồng nghĩa với việc Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia khi được lập có thể “xử lý” cả Thủ tướng, các Bộ trưởng, thậm chí cả Chính phủ nếu ban hành quyết định hành chính sai.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định bày tỏ băn khoăn về việc này: “Luật này đang thiết kế kiểu “dùng ông bé xử lý ông to”. Cơ quan này nếu thuộc Bộ Công thương thì to lắm cũng là Tổng cục, mà giao quyền lớn như vậy có làm được không?”.

Theo ông Định, nếu cơ quan này ở trong Bộ Công thương thì luật phải thiết kế cơ chế xử lý tiếp nối như khi phát hiện ai ban hành quy định hạn chế cạnh tranh thì cơ quan này giúp Bộ trưởng xử lý, hoặc giúp Bộ trưởng tham mưu Thủ tướng và Chính phủ xử lý. “Như thế thì mới được việc, chứ làm sao ông bé xử lý được ông to”, ông Định góp ý và cho rằng về lâu dài, cơ quan quản lý cạnh tranh nên là cơ quan thực thi pháp luật độc lập, có thể xử lý bất cứ ai.

Giải đáp băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, từ kinh nghiệm các nước, thì cho dù cơ quan quản lý cạnh tranh có nằm trong nhánh nào của cơ quan Nhà nước hay trực thuộc Bộ chuyên môn của Chính phủ cũng phải có vị trí pháp lý và khung chính sách để đảm bảo khách quan, công bằng trong điều hành và thực hiện chức năng cơ quan quản lý về cạnh tranh. “Qua nghiên cứu, đa phần cơ quan quản lý cạnh tranh của các nước thuộc Chính phủ hoặc cơ quan Chính phủ, số ít thuộc Quốc hội và cơ quan khác”, ông Trần Tuấn Anh dẫn chứng và cho biết, luật này cũng xây dựng cơ chế và nguyên tắc cơ bản để đảm bảo mức độ độc lập tương đối của cơ quan này.

Không biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền DN

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, cơ quan quản lý cạnh tranh cần đảm bảo tính độc lập và “nếu có thể, nên trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội”.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Bộ đã có văn bản đóng góp ý kiến về việc không lập cơ quan này thuộc Chính phủ. Bởi, các quy định của Bộ Chính trị hiện quy định chấm dứt việc quy định tổ chức bộ máy, biên chế trong văn bản quy phạm pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức Nhà nước. Trong trường hợp khác phải xin ý kiến Bộ Chính trị. “Nếu cần có cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia độc lập, đủ sức, đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo yêu cầu thì cần đề án riêng báo cáo Bộ Chính trị”, ông Thăng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, nếu luật quy định cơ quan này trực thuộc Chính phủ là vướng so với Luật Tổ chức Chính phủ.

Góp thêm ý kiến vào luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu câu hỏi: “Cơ quan quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương nói đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nhưng 12 năm mà xử lý có 8 vụ? Vụ bức xúc vừa qua như biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền DN liên quan đến điện, xăng, tại sao dư luận nêu mà không xử lý được?”. Bên cạnh đó, về vấn đề chống xung đột lợi ích, bà Nga cho rằng, Bộ Công thương muốn DN của mình làm việc tốt, nhưng chính anh ban hành chính sách, rồi anh lại đảm bảo xử lý cạnh tranh, như vậy chính là xung đột lợi ích. “Chúng ta chia sẻ với Bộ, nhưng cái gì bất cập thì sửa, mà nếu không khắc phục được thì đừng sửa”, bà Nga nói.

Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần hoàn thiện thể chế cạnh tranh để tăng cường tính minh bạch về độc quyền Nhà nước, không biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền DN: “Luật này sửa đổi thì phải tạo lập và duy trì cho được môi trường cạnh tranh đúng pháp luật, bình đẳng. Việc sửa luật là cần thiết. Tuy nhiên, liên quan đến mô hình tổ chức bộ máy phải quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị. Cá nhân tôi cho rằng, việc sắp xếp lại tránh đầu mối trực thuộc Chính phủ vì sẽ dẫn đến phát sinh đủ thứ, cần nghiên cứu thêm vấn đề này”.

Kết luận lại, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Việc thành lập cơ quan quản lý quốc gia không làm tăng đầu mối, cơ quan này độc lập tương đối nhưng tinh thần nằm trong Bộ. Cơ quan này thậm chí “thổi còi” cả những văn bản của Bộ mà ban hành sai. Quan trọng là quyền hạn, bé nhưng chấp hành pháp luật thì dù là to mà sai thì đương nhiên bị xử lý”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.