Bất động sản

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi duy trì kẽ hở thu hồi đất giá rẻ

04/10/2022, 08:00

Khi dự án nhà ở thương mại chưa được tách bạch với dự án kinh tế - xã hội; người dân vẫn đứng trước nguy cơ bị thu hồi đất giá “bằng bát phở”.

Giá thu hồi đất năm 2022 chỉ 80.000 đồng/m2

Gần đây, Báo Giao thông liên tục nhận được đơn thư của người dân huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, phản đối việc thu hồi đất phục vụ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư mới thị trấn Tứ Kỳ, do liên danh Công ty cổ phần đầu tư Newland và Công ty cổ phần xây dựng Newtech làm chủ đầu tư.

img

Biển Dự án Khu dân cư mới Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Cụ thể: Ngày 6/6/2022, Uỷ ban nhân dân huyện Tứ Kỳ ban hành hàng loạt quyết định phê duyệt phương án bồi thương, hỗ trợ cho hộ gia đình có đất bị thu hồi phục vụ Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư mới thị trấn Tứ Kỳ (đợt 4-20 hộ).

Theo đó, đơn giá bồi thường đất trồng cây hàng năm là 80.000 đồng/m2. Đơn cử như gia đình ông N.V.P., bị thu hồi 393m2, tổng giá trị đất trồng cây được bồi thường 31,6 triệu đồng. Gia đình ông N.V.K., thu hồi 264m2 được đền bù đất trồng cây hàng năm 21.120.000 đồng.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Dự án Đầu tư xây dựng Khu dân cư mới thị trấn Tứ Kỳ được UBND tỉnh Hải Dương Chấp thuận chủ trương tháng 3/2021.

Chủ đầu tư là Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Newland và Công ty Xây dựng Newtech.

Diện tích: 151.000m2. Trong đó đất công cộng, nhà trẻ 3.000m2 (2,16%); Đất nhà ở liền kề 48.000m2, còn lại là các loại đất khác.

Trước tình trạng giá bồi thường bằng bát phở, người dân huyện Tứ Kỳ cho rằng, quyền lợi về đất đai của họ bị xâm phạm. Chính quyền thu hồi đất do các hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng trên danh nghĩa thực hiện Dự án Khu dân cư mới thị trấn Tứ Kỳ để cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, tiếp tay cho doanh nghiệp lấy đất của dân với giá rẻ mạt, sau đó phân lô bàn nền với giá cao.

Trên chỉ là một trong những ví dụ điển hình cho thấy bức xúc của người dân, khi nhà nước thu hồi đất giao cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở thương mại dưới danh nghĩa thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo báo cáo của Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình về công tác giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021", 69,5% đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phát sinh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai và việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án.

Chuyên gia Hoàng Tùng, Viện nghiên cứu Chính sách pháp luật và phát triển nhìn nhận, Điều 62, Luật Đất đai 2013 quy định "Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" đang có những tồn tại, mang tính mơ hồ, dễ bị lợi dụng.

Khái niệm phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng không có nội hàm được xác định, có nghĩa là các trường hợp Nhà nước thu hồi đất là quá rộng. Đặc biệt là các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mở rộng vô biên, trong đó có cả các dự án khu đô thị mới, dự án khu dân cư nông thôn, dự án chế biến nông, lâm, thủy, hải sản…, không phân biệt đó là dự án của tư nhân hay nhà nước.

Theo ông Tùng, trong cơ chế dân chủ nhất nguyên về chính trị ở nước ta, bất cứ một “đại gia” nào muốn lấy đất làm dự án, chỉ cần thuyết phục được Bí thư hay Chủ tịch tỉnh thì đều có thể lấy được sự chấp thuận của Hội đồng nhân dân.

"Ở đây, tôi hoàn toàn không có ý coi thường các vị Bí thư hay Chủ tịch các tỉnh, vì rất nhiều Bí thư và Chủ tịch tỉnh một lòng vì dân vì nước. Điều chúng tôi muốn nói là một điều luật trên đang dễ dàng tạo điều kiện cho người xấu làm việc xấu và rất có thể “chuyển hóa” một người tốt thành một người xấu.

Trong khi mục đích tối thượng của luật pháp là ngăn chặn người xấu không làm việc xấu. Tình trạng “chạy dự án” rồi sử dụng lực lượng cưỡng chế của chính quyền để lấy đất của nông dân mà chúng ta thường nghe nói, phần lớn được điều luật này tiếp tay, dung túng".

Tách bạch dự án kinh tế - xã hội với dự án quốc gia, công cộng

Đáng nói, khe hở này của Luật Đất đai năm 2013 đã trông thấy. Thế nhưng nó tiếp tục được tồn tại trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Cụ thể, dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại vẫn được đưa vào Điều 67 quy định về "Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng". Nếu quy định này được Quốc hội thông qua thì nó tiếp tục bị lợi dụng, thu hồi đất của người dân với giá bèo.

Do đó, Chuyên gia Hoàng Tùng cho rằng, Nhà nước chỉ nên thu hồi đất dành cho các công trình quốc phòng – an ninh, cho các dự án công cộng và hoạt động công ích, các công trình trọng điểm làm đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế với mức đền bù thỏa đáng cho người dân theo giá thị trường.

Còn mọi dự án kinh tế - xã hội của mọi thành phần kinh tế đều thực hiện theo nguyên tắc của thị trường. Tức là chủ đầu tư muốn có đất để làm dự án thì phải thỏa thuận với người sử dụng đất để được chuyển nhượng một cách sòng phẳng.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, cách quy định như vậy không làm rõ được nội hàm của các dự án phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bởi lợi ích quốc gia, công cộng sẽ thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.

Do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định nội hàm của các dự án phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và giao cho Chính phủ quy định các loại dự án cụ thể sao cho phù hợp với trọng tâm của từng giai đoạn phát triển.

Góp ý tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai Đại học Luật cũng cho rằng, không thể thu hồi đất của tất cả người dân bằng mệnh lệnh hành chính mà cần có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất.

Nếu dự án nào thực sự vì mục đích công cộng, vì quốc phòng an ninh thì Nhà nước phải thu hồi bằng cơ chế hành chính. Còn đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ về mặt tài chính thì cần thỏa thuận với đối tượng bị thu hồi đất theo cơ chế thị trường.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần nghiên cứu đưa ra tiêu chí, nguyên tắc đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, mang tính khái quát. “Mở rộng một số trường hợp nhà nước thu hồi đất đối với khu đô thị, nhà ở thương mại, rất nhiều đại biểu đang quan ngại, vì mở rộng thêm so với điều 62 của Luật Đất đai hiện hành”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.