Bất động sản

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ thu hồi đất xây dựng cơ sở tôn giáo

20/02/2023, 07:00

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thu hút nhiều quan tâm góp ý, trong đó, nổi lên là nội dung thu hồi đất xây dựng cơ sở tôn giáo.

Làm rõ thu hồi đất xây dựng cơ sở tôn giáo

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội), Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã cố gắng giải thích định nghĩa việc thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (Điều 78), nhưng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất dễ bị lợi dụng nếu không làm rõ đối tượng thụ hưởng trong việc thu hồi này phải là nhân dân, ngân sách đầu tư là của Nhà nước và lợi nhuận phải do Nhà nước thu.

img

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế-Trường Đại học Luật Hà Nội

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần định nghĩa cụ thể việc thu hồi đất phục vụ cho tổ chức tôn giáo hay cơ sở tôn giáo (khoản D, Điều 78). Bởi, đang có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng tôn giáo để tổ chức hoạt động kinh doanh.

"Ví dụ như chùa Bái Đính, chỗ nào là tôn giáo, chỗ nào là kinh doanh, phải sòng phẳng chuyện này. Còn nếu không Bái Đính có 5.000 ha nếu như bóc tách phần nào là tôn giáo thì giao đất không thu tiền, còn phần nào kinh doanh thì phải nộp tiền ngân sách cho Nhà nước", PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nêu quan điểm.

Trong khi đó, Luật sư Tô Văn Chung, thành viên Hội đồng tư vấn dân chủ, pháp luật của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM lại quan tâm và cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ "lợi ích vật chất" khi bồi thường thu hồi đất.

Theo ông Chung, khoản 4, Điều 3, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Bồi thường quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước bồi hoàn cho người sử dụng đất bằng tiền, bằng đất hoặc bằng lợi ích vật chất. Vậy “Lợi ích vật chất ở đây là gì?”. Nếu không cụ thể rất dễ dẫn tới hiện tượng các cơ quan thu hồi lạm dụng để bồi thường không thỏa đáng cho người dân.

Cần làm rõ tiêu chí "đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ"

Điều 79, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất: "Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".

Quy định này đang thu hút quan tâm của đông đảo dư luận, bởi quan điểm này hết sức đúng đắn, nhân văn theo tinh thần Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, việc đánh giá điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ đã gây khó khăn cho các bên thực hiện vì tiêu chí không cụ thể.

Bên cạnh đó, việc di chuyển chỗ ở gây ra những xáo trộn về đời sống của người dân. Theo đó, có những thiệt hại hữu hình như nhà ở, đất đai, ruộng vườn… những thiệt hại vô hình như tâm lý an cư cuộc sống, các mối quan hệ trong cuộc sống, làm ăn sản xuất kinh doanh mà người dân đã tạo lập từ bấy lâu mà không phải có trong một sớm một chiều mà nó được hoàn thiện, hình thành và gắn bó tại nơi ở cũ.

“Các tòa nhà tái định cư bỏ hoang cho người dân phố cổ tại nút giao đường 5 kéo dài (phường Gia Thụy) là một ví dụ điển hình. Người dân các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào… trước nay mưu sinh bằng cách buôn bán, mà việc buôn bán hình thành từ rất lâu, theo lối “buôn có bạn, bán có phường” nên mặc dù về vị trí địa lý, không gian, hạ tầng cơ sở có thể tốt hơn nhưng lại chưa giải quyết được nhu cầu mưu sinh nên không khiến người dân đồng lòng, chủ động chuyển sang khu tái định cư để trả lại đất cho Nhà nước”, ông Nguyễn Trọng Hùng, kỹ sư xây dựng phân tích.

Để xác định rõ các tiêu chí bằng, hoặc tốt hơn nơi ở cũ, đại biểu Lý Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị, trong vấn đề hỗ trợ tái định cư cần giao việc xây dựng các tiêu chí đánh giá về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở khu tái định cư cho một cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể như các điều luật khác đã quy định. Ngoài ra, cần xác định giá trị đến bù đầy đủ các thiệt hại của người dân thuộc diện tái định cư, trong đó phải tính cả những thiệt hại vô tình để giúp người dân ổn định, yên tâm sinh sống tại nơi ở mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi cần phân cấp mạnh và giao quyền cho các cấp địa phương nhiều hơn trong việc định giá đất, trưng cầu ý kiến của người dân về vấn đề thu hồi, giải phóng mặt bằng phù hợp với nhu cầu, thực tiễn cũng như nguyện vọng của người dân…

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên, Hội đồng Khoa học Pháp lý, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng: "Chúng ta phải đặt ra được 2 - 3 phương án để người dân lựa chọn. Những phương án đó phải có cơ quan độc lập khách quan định giá, xác định các tiêu chí tái định cư.

Nếu như không có tổ chức độc lập, khách quan sẽ không có ai là trọng tài đứng giữa để bảo đảm quyền lợi thực sự của người dân và nỗ lực của các cơ quan Nhà nước. Nó sẽ xảy ra trường hợp không đồng nhất, người dân bảo là không đạt yêu cầu, trong khi nhà nước thì bảo là tốt, thừa đủ tiêu chuẩn", ông Đức nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.