Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đóng góp ý kiến tại phiên họp |
Dư thừa 7.000 xe công
Cho ý kiến vào báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong năm 2015, các bộ ngành, địa phương đã mua mới 611 xe ô tô với tổng nguyên giá 603 tỷ đồng. Trong đó khối T.Ư mua sắm 69 xe, khối địa phương mua sắm 542 xe. Qua triển khai thực hiện quyết định của Bộ Tài chính về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, dự kiến số xe ô tô phục vụ công tác chung sẽ dôi ra khoảng 7.000 xe. Số xe này sẽ được điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức hoặc bán, thanh lý thu tiền nộp ngân sách nhà nước (NSNN).
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng biên chế công chức hưởng lương từ NSNN năm 2016 của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là 272.952 biên chế (không bao gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã). Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù là 686 biên chế. |
Chưa đồng tình, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa cập nhật hết các bất cập nên đề nghị đánh giá thêm việc sử dụng xe công hiện nay có đúng hay không, kể cả chế độ xăng xe. “Phải kiểm tra định mức, tiêu chuẩn xem có đúng quy định hay không? Tiêu chuẩn sử dụng xe công như thế nào cần công khai hóa để cán bộ trong cơ quan giám sát xem có thực hiện đúng hay không? Nếu không rõ ràng, người thực hành tiết kiệm lại là người bị thiệt”.
Dẫn chứng về việc chi thường xuyên cao, ông Hiền nêu con số của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, 50 tỉnh thành được kiểm toán có đến 40 tỉnh chi vượt. Trong đó, 6 tỉnh vượt 30%, tỉnh vượt 75%. Từ đó, ông Hiền đặt câu hỏi: “Chính phủ cần xem đã thực hành tiết kiệm chưa khi chi tiêu vượt như vậy?”.
Phải làm rõ nguyên nhân gây lãng phí
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần tập trung vào những vấn đề nổi cộm gây lãng phí mà dư luận xã hội quan tâm, làm rõ hơn thực trạng, phân tích rõ về nguyên nhân tại sao dẫn đến lãng phí và giải pháp thế nào. Báo cáo về lãng phí cần chỉ rõ ra địa chỉ, tránh việc chỉ nêu chung chung, chưa thấy rõ được trách nhiệm. Ông Lưu cũng nhấn mạnh, việc lãng phí trong việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cần được làm rõ hơn. “Ví dụ, việc cổ phần hóa Xưởng phim truyện Việt Nam là một câu chuyện rất lớn, dư luận rất quan tâm. Khi cổ phần hóa, việc xác định giá trị của xưởng phim, đất đai, nhà cửa, thương hiệu thế nào, chưa nói đến cơ chế đấu giá”, ông Lưu dẫn chứng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết, vừa qua dư luận có nêu một số trường hợp, mặc dù chưa khẳng định rõ ràng những đơn vị đó lãng phí bao nhiêu nhưng cần có báo cáo cụ thể. Chẳng hạn như: Nhà máy Tơ sợi Đình Vũ ở Hải Phòng; Nhà máy Gang Thép ở Thái Nguyên; Nhà máy Đạm Ninh Bình và một nhà máy xăng Sinh học Bio-Ethanol ở một tỉnh phía Bắc… Bà Nga đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án này cũng như trách nhiệm của người đứng đầu xung quanh thắc mắc của người dân về việc bổ nhiệm cán bộ, những người có trách nhiệm, những người từng công tác ở đây đã được luân chuyển đi đâu, làm gì.
Lo ngại thu ngân sách ít, chi vượt nhiều
Trình bày báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2014, bội chi NSNN là 224.000 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP. Nhưng theo báo cáo quyết toán NSNN 2014, bội chi NSNN là 260.145 tỷ đồng, bằng 6,61% GDP, tăng 36.145 tỷ đồng so với dự toán.
Trong khi đó, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, số ứng trước kế hoạch vốn từ ngân sách T.Ư cho các dự án còn phải thu hồi là 81.707,5 tỷ đồng, bằng 50,1% kế hoạch vốn đầu năm 2014 và tăng 14.522,7 tỷ đồng so với năm 2013. Một số địa phương còn tình trạng cho vay, tạm ứng sai quy định hoặc kéo dài nhiều năm chậm thu hồi. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đặt vấn đề: “Tại sao 3 năm gần đây đều lặp lại tình trạng cứ tháng 4 đến tháng 6 thì nêu khả năng không thu đủ, nhưng đến tháng 9 lại có khả năng? Khi Quốc hội chuẩn bị họp thì có tín hiệu đáng mừng, đến khi họp Quốc hội thì Chính phủ lại báo cáo là vượt nhiều, vì sao lại vậy? Tôi rất buồn trước tình trạng thu ngân sách thì ít, chi thì vượt nhiều mức cho phép”.
Chốt lại vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Từ hồi nào tới giờ nói rất nhiều nhưng đều cho qua, lần này cần chấp hành nghiêm tinh thần Hiến pháp và pháp luật”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận