Bạn cần biết

Đưa ảnh, kết quả học tập của con lên mạng, xử phạt thế nào?

29/05/2017, 13:55

Luật Trẻ em cấm đưa ảnh, thông tin đời tư của trẻ, song chế tài xử phạt ra sao vẫn còn bỏ ngỏ!

luat-tre-em

Luật Trẻ em nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ. (Ảnh minh họa)

Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực từ 1/6 tới. Theo đó, Luật nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ các em.

Tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em, có hiệu lực từ 1/7 cũng quy định rõ như thế nào là thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Cụ thể, tại Điều 33, Chương IV của Nghị định giải thích thông tin đời tư cá nhân của trẻ bao gồm: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Theo các chuyên gia tâm lý, bố mẹ không nên đưa thông tin cụ thể để người ngoài có thể nhận dạng được trẻ, điều này có thể bị kẻ xấu đánh cắp thông tin, sử dụng vào mục đích xấu. Trên thực tế, đã có những vụ việc kẻ xấu lợi dụng thông tin cha mẹ đưa lên mạng để bắt cóc trẻ, tống tiền...

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Nam Từ Liêm, Hà Nội), có con trai đang học lớp 8 bày tỏ: “Từ trước tới nay, năm nào con trai đạt kết quả tốt mình cũng chia sẻ trên facebook, chỉ đơn giản với mục đích muốn con biết mình vui và tự hào về nỗ lực cố gắng của con. Hay những buổi gia đình đi chơi, mình cũng đăng ảnh cháu để lưu lại những kỷ niệm gia đình gắn bó, yêu thương... Vậy mà bây giờ những hành vi đó bị cho là vi phạm thì cũng không biết phải nói thế nào...”.

Tương tự, anh Nguyễn Quốc Toản, Đan Phượng, Hà Nội nhận định: “Đối với mỗi cá nhân, mỗi tình huống, hành vi đăng ảnh hay kết quả học tập, danh tính... của con lại có mục đích khác nhau. Vậy căn cứ nào để cơ quan chức năng xử phạt? Tình huống nào bị xử phạt? Cơ quan chức năng cũng làm sao phân biệt được người lớn đã xin phép trẻ hay chưa?”.

Trước những băn khoăn trên, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH) nhận định, với trẻ từ 7 tuổi trở lên, trước khi công khai thông tin về đời sống riêng tư của các em, cha mẹ cần hỏi ý kiến trẻ; nếu trẻ chưa đủ 7 tuổi thì cha mẹ có quyền quyết định nhưng phải xem xét dựa trên mục tiêu vì sự phát triển tốt nhất của trẻ. “Muốn xem xét hành vi này là đúng hay phạm luật cần căn cứ vào 3 điều kiện cụ thể: Hành vi đó có được sự đồng ý của trẻ hay không? Thông tin đó có vi phạm đời tư của trẻ hay không? Và cuối cùng là hành vi đó có phải vì lợi ích tốt nhất của trẻ hay không?”, ông Nam nói.

Về chế tài xử phạt, ông Nam cho biết, để Luật Trẻ em đi vào cuộc sống cần phải bổ sung, sửa đổi thêm nhiều bộ luật khác. Do vậy, trong thời gian này, nếu phát hiện những hành vi bị nghiêm cấm theo Luật thì cũng chưa thể xử lý ngay được!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.