Tài chính

Đua hút vốn USD: Ngân hàng “đi đêm” lãi suất

01/03/2016, 14:37

Với khách quen hoặc được giới thiệu, các NH sẽ cởi mở hơn về việc trả lãi cho tiền gửi USD.

7
Trong cùng một ngân hàng cũng có sự cạnh tranh lẫn nhau để thu hút vốn

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã quy định, tiền gửi bằng đô la Mỹ (USD) của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng không được trả lãi suất (0%), nhưng theo điều tra của Báo Giao thông, nhiều ngân hàng vẫn vi phạm quy định này.

Càng gửi nhiều, lãi suất càng cao

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành quyết định, từ 18/12/2015, tất cả các khoản tiền gửi bằng USD trong hệ thống ngân hàng sẽ không được trả lãi suất như trước, bác Đỗ Thanh H., trú tại Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội quyết định rút 50.000 USD đang gửi trong một ngân hàng trên địa bàn quận. Bán USD lấy tiền đồng (VND) rồi gửi tiết kiệm thì hứa hẹn lãi suất hấp dẫn, song bác H. lại lo khó mua vào khi có việc cần đến; mà giữ trong nhà thì lúc nào cũng nơm nớp sợ mất. Đang tính cách xử lý, bác H. được người quen là nhân viên của một ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) tại quận Đống Đa mời gửi tiền với lãi suất cho khoản 50.000 USD là 0,6%/năm.

Từ thông tin này của bạn đọc, PV Báo Giao thông tiến hành điều tra, khảo sát và thấy rằng, tình trạng “đi đêm” lãi suất tiền gửi USD như trường hợp kể trên không phải cá biệt.

Theo Quyết định số 2589 ngày 17/12/2015 của NHNN, từ 18/12/2015, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi USD của tổ chức, cá nhân (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm. Theo NHNN, chính sách này là để tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ. 

Chiều 23/2, trong vai khách hàng có tiền USD, chúng tôi có mặt tại một phòng giao dịch (PGD) của NH TMCP Sài Gòn trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. 

Sau khi hỏi tỷ giá trong ngày, chúng tôi bày tỏ băn khoăn không biết nên gửi USD hay bán ra, một người tên C. ở PGD bước ra hỏi: “Chị gửi nhiều không?”. Chúng tôi cho biết có 63.000 USD, anh C. gợi ý, nếu không dùng gì đến USD thì nên bán ra lấy VND gửi tiết kiệm. Cũng theo anh C., lãi suất VND của NH hiện 6,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, còn “lãi suất USD thấp lắm, không ăn thua”. Cụ thể, nếu gửi hơn 60.000 USD, lãi suất 0,5%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ.

Trong lúc chúng tôi trò chuyện với anh C., một giao dịch viên đã tính nhanh, số tiền 63.000 USD nếu bán ra được 1,3 tỷ đồng, đem gửi tiết kiệm sẽ cho khoản lãi hơn 45 triệu sau 6 tháng, tương ứng hơn 7,5 triệu mỗi tháng. Còn nếu gửi bằng USD, khoản lãi chỉ 26 USD, tương đương 588.000 đồng/tháng.

Cũng theo anh C., nếu số tiền gửi USD càng nhiều, mức lãi suất sẽ càng cao. “Nếu chị gửi trên 100.000 USD, bên em phải xin (lãi suất - PV)”, anh C. nói rồi mở điện thoại kiểm tra. Chúng tôi ngó nhanh vào màn hình, thấy ảnh chụp tờ giấy in các mức lãi suất. Theo đó, nếu gửi 20.000 USD, lãi suất 0,25%; gửi từ 50.000 đến dưới 200.000 USD là 0,5%/năm; từ 200.000 đến dưới 300.000 USD là 0,7%/năm; hơn 300.000 USD 0,8%/năm và đây cũng là mức tối đa.

Anh C. cho biết thêm, nếu khách đồng ý gửi, chỉ cần thông báo, ngân hàng sẽ làm sẵn sổ tiết kiệm, rồi cho người đến tận nhà lấy tiền. Thấy chúng tôi còn lăn tăn, anh C. ngỏ ý xin số điện thoại “khách hàng”, đồng thời không quên gửi lại số điện thoại của mình để “trao đổi thêm”.

Cùng một Ngân Hàng cũng “chạy đua”

Theo kinh nghiệm của một số khách hàng đang gửi USD và thực tế khảo sát của PV Báo Giao thông, nhiều trường hợp khách hàng lạ hoặc “tay không” đến NH hỏi “chay” “gửi USD có được hưởng lãi không” thì thường giao dịch viên từ chối với lý do “NHNN đã quy định”.

Nhưng nếu khách có mang theo “tiền tươi”, thường từ 10.000 USD trở lên, hoặc sổ tiết kiệm sắp đáo hạn, nhân viên NH sẽ nhiệt tình “tư vấn” hơn hoặc xin số điện thoại khách hàng để “thông tin lại” sau đó. Với khách hàng đã/đang gửi tiền hoặc được người quen của nhân viên NH giới thiệu, các NH sẽ cởi mở hơn về việc trả lãi cho tiền gửi USD.

Chẳng hạn, tại một chi nhánh NH TMCP Phương Đông ở Hà Nội, ban đầu chúng tôi tìm hiểu về chính sách huy động USD, nhân viên ngân hàng khá dè dặt. Song biết “khách” đang mang theo 20.000 USD trong tổng số hơn 60.000 USD tiền dành dụm, nữ nhân viên NH tên C. mời gửi luôn trước một sổ cho khoản tiền mang theo và gợi ý: “Chia sổ hay cộng dồn số tiền gửi thì cũng vẫn tính chung một mức lãi suất. Anh chị cứ gửi ủng hộ bên em một sổ đi, rồi về sau mình sẽ dễ làm việc hơn”.

“Nếu bây giờ chúng tôi gửi một sổ 20.000 USD trước thì lãi suất là bao nhiêu?”, chúng tôi đặt câu hỏi. Cô nhân viên hạ nhỏ giọng: “0,5%/năm” và cho biết thêm, nếu gửi cả 60.000 USD một sổ thì lãi suất cũng thế. Thấy “khách” chưa quyết, chị C. xin trao đổi điện thoại. Ngày hôm sau, nhân viên này tiếp tục gọi điện thoại cho chúng tôi để mời chào gửi tiền và cho biết cũng sẽ có ô tô, nhân viên ngân hàng đến tận nhà làm việc.

Tuy nhiên, trong cùng một NH cũng có sự cạnh tranh lẫn nhau để thu hút vốn. Trong khi PGD ở quận Cầu Giấy trả lãi 1%/năm đối với khoản gửi từ 30.000 USD, kỳ hạn 1 tháng trở lên! Song vẫn NH đó, ở kỳ hạn đó, PGD ở quận Ba Đình chỉ chấp nhận trả lãi 0,5% song phải gửi tối thiểu 50.000 USD.

Cuối tuần trước, nhân viên kinh doanh một PGD tại quận Đống Đa í ới mời chào chúng tôi: “Bên em vừa tăng thêm 0,1% lãi suất đối với số tiền gửi 50.000 - 200.000 USD kỳ hạn một tháng trở lên, thành 0,7%/năm”. Đặc biệt, họ trả lãi “tươi” luôn, chứ không viết giấy vay nợ khách hàng, rồi đến cuối kỳ mới trả như một số NH khác. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.