Hồ sơ tài liệu

Đưa máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa, Trung Quốc leo thang căng thẳng

25/02/2016, 06:20

Các nước chỉ trích Trung Quốc làm leo thang căng thẳng ở biển Đông khi đưa máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bất đồng về vấn đề biển Đông trong cuộc gặp

Hôm qua (theo giờ VN), báo giới quốc tế dẫn lời các quan chức tình báo Mỹ cho biết, Trung Quốc đã triển khai các máy bay tiêm kích trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở biển Đông. Đây là một động thái làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Trung Quốc hung hăng

Tình báo Mỹ đã phát hiện máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 Shenyang (Thẩm Dương) J-11 và máy bay tiêm kích - ném bom Xian (Tây An) JH-17 vài ngày trước trên đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc vừa triển khai tên lửa đất đối không HQ-9, theo Fox News.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Washington. Trong cuộc gặp này, hai bên đã bày tỏ những bất đồng về vấn đề biển Đông. Ngoại trưởng Vương Nghị hy vọng Mỹ sẽ chấm dứt các hoạt động tuần tra Hải quân trên biển Đông.

Trong khi đó, phía Mỹ muốn Trung Quốc chấm dứt các hoạt động quân sự ở biển Đông: “Tất cả các bên liên quan đều cần phải tránh các bước đi đơn phương làm leo thang căng thẳng, hạn chế các hoạt động quân sự hóa”. Sau đó, chuyến thăm dự kiến của ông Vương Nghị tới Lầu Năm Góc bị hủy bỏ. Hiện chưa rõ phía Mỹ hay Trung Quốc hủy chuyến thăm này.

Trong một diễn biến khác, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ sáng cùng ngày, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố hành động quân sự hóa các cơ sở tại Biển Đông sẽ không giúp ích gì cho những nỗ lực giải quyết tranh chấp chủ quyền ở khu vực này. Mỹ muốn Trung Quốc chấm dứt các hoạt động quân sự ở biển Đông và “tất cả các bên liên quan đều cần phải tránh có các bước đi đơn phương làm leo thang căng thẳng, hạn chế các hoạt động quân sự hóa”. Còn Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain chỉ trích cách hành xử của Bắc Kinh là “hung hăng”.

Trước đó, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris nhận định, Trung Quốc “đang làm thay đổi môi trường hoạt động” bằng việc triển khai các tên lửa phòng không và hệ thống radar tại biển Đông, như một phần của nỗ lực nhằm giành ưu thế quân sự ở khu vực Đông Á.

Không mang lại lợi ích cho hòa bình và phát triển

Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp báo sáng 24/2 ở Tokyo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định: “Nhật Bản bày tỏ sự quan ngại sâu sắc nhất  đối với hành vi triển khai máy bay quân sự tại biển Đông của Trung Quốc” và khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để đưa ra những biện pháp ứng phó thích hợp.

Còn bà Sakurai Yoshiko, Chủ tịch Viện Nghiên cứu các vấn đề cơ bản quốc gia của Nhật Bản cho rằng: "Mục đích “bá quyền” của Trung Quốc nhằm muốn đứng số 1 chỉ đạo cấu trúc của trật tự xã hội. Nếu xảy ra thì điều này sẽ mang lại sự thay đổi cực xấu cho thế giới, không mang lại lợi ích gì cho hòa bình và phát triển...".

Hôm qua, nhiều tờ báo lớn của Đức đồng loạt chỉ trích Trung Quốc làm leo thang căng thẳng ở biển Đông khi đưa máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm. Báo “Toàn cảnh Frankfurt“ (FAZ) cho rằng, chính quyền Bắc Kinh đã tạo ra những nhân tố mới trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông với việc triển khai các máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm. Tờ báo chỉ trích Trung Quốc ngang nhiên đòi chủ quyền tới 90% diện tích biển Đông.

Theo tờ báo, đầu tuần qua, các hình ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy, Trung Quốc có thể đã xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa một trạm radar tần số cao. Cùng ngày, tờ “Thời đại“ (die Zeit) cho rằng, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng vì những tham vọng của Bắc Kinh trên biển Đông. 

Cách hành xử của Trung Quốc dẫn đến nguy cơ xung đột

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Channel NewsAsia, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng: “Trung Quốc đang dùng đến cách làm cũ” để khẳng định vị thế của mình, bất chấp luật pháp và quy định quốc tế trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Ông Obama nói rằng, cách hành xử của Trung Quốc đã dẫn đến “nguy cơ xung đột đáng kể” giữa các bên tranh chấp và cho biết, có ý định phối hợp với tất cả các bên liên quan để đảm bảo một giải pháp hòa bình.

Ngoài ra, ông Obama cũng khẳng định, việc tiến hành tuần tra trên không và trên biển gần những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở Trường Sa là những hành động nhằm đảm bảo tự do hàng hải.

Ông Obama nhấn mạnh, Mỹ không chấp nhận những hành động mà Trung Quốc hay bất kì nước nào khác đơn phương thực hiện mà sẽ gây cản trở dòng thương mại và đi lại vốn có ý nghĩa quan trọng trong khu vực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.