Nghệ sĩ violin Đình Bình và thí sinh Vũ An |
“Việt hóa” nhạc cổ điển
Được mua bản quyền từ Đan Mạch - đất nước nổi tiếng với âm nhạc cổ điển, Thần đồng âm nhạc - Wonder Kids vấp phải ánh nhìn nghi ngờ từ phía công chúng. Bởi tại Việt Nam, nhạc cổ điển vẫn luôn được coi là dòng âm nhạc kén khán giả. Những chương trình về hài, người mẫu, ca nhạc trẻ, bolero mới đang là thế mạnh của các chương trình truyền hình thực tế hoặc gameshow, vì đó mới là “món ăn tinh thần” đánh trúng tâm lý số đông của khán giả thưởng thức truyền hình.
Theo Ban tổ chức, mục tiêu của chương trình là muốn đưa âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng, giúp các bạn trẻ hiểu rằng, thành công trong nghệ thuật sẽ không đến sau một đêm, mà là kết quả của quá trình đam mê, nỗ lực rèn luyện cùng với sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng. Đây cũng là chương trình mang tính giáo dục - giải trí trên kênh HTV3 - Dreamkids. 6 cặp thí sinh tham gia thi ở các bộ môn: Violin, guitar, piano, múa, hát. Sẽ không có thí sinh nào bị loại trong các đêm thi. Giải thưởng giành cho thí sinh cũng không được trao bằng tiền mặt mà là một “gói” giải thưởng gồm học bổng đào tạo âm nhạc tại Mỹ và những dự án, nhạc cụ để hỗ trợ phát triển tài năng sau cuộc thi. 6 thí sinh tham gia chương trình cũng được nhận giải thưởng là những khóa học và công cụ hỗ trợ con đường nghệ thuật của mình.
Đây cũng là lần đầu tiên nghệ sĩ Trần Nhật Minh, nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng TP.HCM làm Giám đốc âm nhạc. Anh tâm sự, bản thân gặp nhiều áp lực lớn về việc đảm bảo chất lượng song song với việc chạy đua về thời gian, tiến độ. Trước thắc mắc với một chương trình nhạc cổ điển được Việt hóa, yếu tố Việt sẽ được thể hiện ra sao? Nhạc trưởng Trần Nhật Minh tiết lộ, xương sống của việc đảm bảo chất Việt trong quá trình Việt hóa chính là nội dung chủ đề của các tập phát sóng. Sẽ có một đêm thi với chủ đề các ca khúc bất hủ của nhạc Việt, hoặc một đêm các thí sinh sẽ trình diễn với sự kết hợp của nhạc cụ dân tộc.
“Công việc của tôi thời gian qua luôn “lội ngược dòng” với thị hiếu công chúng. Nên với chương trình này, có người “lội” chung với mình, tôi cảm thấy vui và được tiếp thêm sức mạnh. Tôi nghĩ việc phổ cập các giá trị nghệ thuật nói chung và âm nhạc cổ điển nói riêng nên được xem là trách nhiệm và đóng góp của những người làm truyền hình. Không nên xem nó đơn thuần là làm nổi, chơi trội bằng cách ngược dòng”, nhạc trưởng Trần Nhật Minh bộc bạch.
Vẫn có tính giải trí
Do nhạc cổ điển vốn kén khán giả nên mức độ thu hút sự quan tâm của khán giả và đảm bảo rating của chương trình là yếu tố khiến nhiều người đặt dấu chấm hỏi. Trước thắc mắc về việc cân bằng giữa yếu tố chuyên môn và giải trí, nhạc trưởng Trần Nhật Minh cho biết, mục đích lớn nhất của những người làm chương trình là tham vọng phổ cập âm nhạc cổ điển đến công chúng. Do đó, việc cân bằng yếu tố giải trí để người xem dễ tiếp nhận sẽ là điều đương nhiên cần có. “Tuy nhiên, không có sự thỏa hiệp để tính giải trí lấn át tôn chỉ của chúng tôi. Chúng tôi xác định việc này khó và chấp nhận chậm mà chắc. Ở show này, tính chuyên môn và giáo dục được đặt lên trên hết” nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Trong khi đó, biên đạo múa Tuyết Minh, giám khảo của chương trình nhìn nhận, khi nhận lời ngồi ghế giám khảo, chị cũng từng băn khoăn về tính hấp dẫn, thu hút khán giả của chương trình. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện, từ cách chọn bài, chọn HLV, phối khí các bản nhạc, chị nhận thấy triển vọng của chương trình. Chương trình đặc biệt là hướng tới đối tượng khán giả phụ huynh chứ không phải trẻ em. Đến một độ tuổi nhất định, nhiều người thường yêu thích nhạc cổ điển hơn các loại hình nghệ thuật khác. Chưa kể, tính thu hút của chương trình cũng đã thể hiện qua phiên bản gốc của nước ngoài nên biên đạo múa Tuyết Minh hy vọng, chương trình cũng sẽ tạo được dấu ấn khi đưa về Việt Nam.
Theo biên đạo múa Tuyết Minh, Thần đồng âm nhạc giống như một khóa học hè dành cho các thí sinh. Các em được BTC lựa chọn cho những HLV giỏi về nhạc cổ điển ở Việt Nam và thế giới để hướng dẫn, đào tạo. Chương trình lại có tính nhân văn khi không loại thí sinh, cũng như không có phần bình chọn của khán giả theo kiểu tận thu kinh doanh bằng tin nhắn. Đây là điều đặc biệt so với các gameshow truyền hình đang nhan nhản hiện nay.
“Chúng tôi luôn mong muốn nghệ thuật hàn lâm phát triển, vì đó là nền tảng của âm nhạc. Chương trình không muốn “chiến đấu” với các loại hình nghệ thuật mới mà chỉ muốn tìm cách tiếp cận với khán giả. Rõ ràng, chương trình nào cũng có mục đích riêng của mình như về kinh tế, xã hội. Chúng tôi không thể bắt tất cả mọi người cùng thích nhạc cổ điển. Thế nhưng để loại hình này có thể tới gần hơn với mọi người thì phải mạnh dạn và có thể chấp nhận thiệt thòi trong thời gian đầu”, biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận