Xã hội

Đưa quyền tác giả, quyền liên quan Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào luật

15/02/2022, 18:50

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ bổ sung Điều 24a về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Chiều nay (15/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Trong đó, có vấn đề xin ý kiến đó là quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca.

img

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Báo cáo từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội do Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ, kinh nghiệm quốc tế một số nước cho thấy chủ yếu là có luật riêng quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để xây dựng phương án hoàn thiện pháp luật đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thực sự chặt chẽ, khả thi hơn và xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng điều chỉnh về nội dung này.

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vấn đề mà cơ quan thẩm tra xin ý kiến là vấn đề mới, xuất phát thực tiễn liên quan đến trục trặc khi một đơn vị tắt tiếng Quốc ca trong chương trình truyền hình trực tiếp trận bóng đã giữa đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Lào gần đây.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đối với Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca, trong hệ thống pháp luật đã được quy định bằng những quy định khác nhau. Hiến pháp đã quy định về khái niệm cụ thể. Bộ Luật Hình sự năm 2015 cũng quy định về hành vi xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Đồng thời, cũng có như văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca có vị trí chính trị đặc biệt, mang tính biểu tượng quốc gia, được bảo vệ bằng biện pháp hình sự.

Tuy nhiên, ông đề nghị Bộ Khoa học và công nghệ báo cáo Chính phủ nếu đề xuất để luật riêng thì để luật nào, bao giờ thì thực hiện trong bối cảnh thực tiễn phong phú và cấp bách như vậy. Đây là việc lớn, phải nghiên cứu xử lý thấu đáo yêu cầu trước mắt và lâu dài.

img

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể dục và thể thao Đoàn Văn Việt

Không nên quy định ở văn bản dưới luật

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VH, TT&DL) Đoàn Văn Việt cho biết, thời gian qua, liên quan đến vấn đề phổ biến Quốc ca trên không gian mạng đã xảy ra sự việc gây bức xúc dư luận.

"Qua nghe báo cáo của phía Tổng cục Thể dục thể thao, thời điểm đó, Ban Tổ chức giải đấu liên quan đến trận đấu có đưa một chiếc đĩa hỏi phía đoàn thể thao của Việt Nam đó có phải là Quốc ca Việt Nam. Sau khi nghe thì phía đoàn thể thao đồng ý phát bản này. Tuy nhiên, khi một đơn vị tổ chức phát lại trận đấu này trên không gian mạng, do lo sợ vấn đề bản quyền, ảnh hưởng đến nguồn thu nên đơn vị này đã tắt tiếng Quốc ca đi", Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết.

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, trong bối cảnh hội nhập sâu, nhất là sự phát triển của khoa học công nghệ, chế tài hiện nay đang thiếu, việc khai thác sử dụng Quốc ca, Quốc kỳ, Quốc huy trên không gian mạng nếu không có quy định cụ thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, việc bổ sung nội dung quy định liên quan đến Quốc ca, Quốc kỳ, Quốc huy vào dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết. Trước mắt, nên đưa vào một nội dung trong dự thảo luật như một quy định có tính nguyên tắc. Sau đó, sẽ giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ báo cáo Chính phủ có báo cáo chính thức đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến vấn đề này.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không nên quy định việc này ở văn bản dưới luật.

Theo ông Định, cũng như con người, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca có nhiều bộ luật bảo vệ. Trên tinh thần này, chỉ cần thêm vào luật quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Hoặc nếu cần thiết thì phải xây dựng bộ luật riêng thì cần phải có lập luận hợp lý.

Chiều 15/2, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt nhất trí và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Nghị quyết nêu rõ việc thành lập 9 phường thuộc thành phố Phổ Yên (Đắc Sơn, Nam Tiến, Tiên Phong, Đông Cao, Tân Phú, Thuận Thành, Hồng Tiến, Tân Hương, Trung Thành) thuộc thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên.

Thành lập Tòa án nhân dân thành phố Phổ Yên trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phổ Yên trên cơ sở kế thừa Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.