Hạ tầng

Đua tiến độ làm 200km cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

03/04/2021, 06:04

Lập dự án đầu tư từ năm 2008 nhưng nhiều năm qua, tuyến cao tốc dài 200km từ Dầu Giây-Đồng Nai lên Liên Khương-Lâm Đồng vẫn chưa thể triển khai.

img

Sau khi tuyến Dầu Giây - Liên Khương hoàn thành sẽ khớp nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đang triển khai xây dựng (Trong ảnh: Thi công tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây)

Định hình tuyến cao tốc dài 200km

Chuyển biến dự án chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây khi Bộ GTVT và địa phương cùng vào cuộc quyết liệt để biến ước mơ bao đời nay của hàng triệu người dân Lâm Đồng về một tuyến cao tốc hiện đại nối miền xuôi với miền ngược dần trở thành hiện thực.

Ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch (Ban QLDA Thăng Long - Bộ GTVT) cho biết, do chiều dài và quy mô dự án quá lớn nên tuyến Dầu Giây - Liên Khương được chia thành 3 dự án thành phần: Dầu Giây - Tân Phú (59,6km), Tân Phú - Bảo Lộc (67km) và Bảo Lộc - Liên Khương (73,4km).

Trong đó, Ban QLDA Thăng Long được Bộ GTVT giao nhiệm vụ lập dự án đầu tư hai đoạn đầu và cuối tuyến gồm: Dầu Giây - Tân Phú và Bảo Lộc - Liên Khương, còn lại đoạn Tân Phú - Bảo Lộc (nằm giữa), Chính phủ giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Với đoạn tuyến Dầu Giây - Tân Phú, đầu tháng 3/2021, Ban QLDA Thăng Long đã trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (lần 2). Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP với chiều dài khoảng 59,6km.

Giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17m, tốc độ khai thác 80km/h. Tổng mức đầu tư dự án hơn 6.620 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn góp Nhà nước khoảng 1.300 tỷ đồng.

“Chúng tôi đang gấp rút làm việc với địa phương và cơ quan liên quan để thống nhất hướng tuyến. Dự kiến, khoảng tháng 6 - 7/2021, Ban QLDA Thăng Long sẽ trình Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoàn chỉnh của dự án”, ông Sơn nói và cho biết, sau khi được phê duyệt, Ban QLDA Thăng Long sẽ triển khai tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đền bù GPMB… tiến tới khởi công dự án vào cuối năm 2022 và hoàn thành trong năm 2025.

Đối với đoạn Bảo Lộc - Liên Khương, do dự án không khả thi về phương án tài chính nếu đầu tư theo hình thức PPP nên từ cuối năm 2019, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA Thăng Long lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Chưa đầy một năm sau, ngày 31/8/2020, Ban QLDA Thăng Long đã trình Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án này.

Theo đó, dự án được đề xuất đầu tư dài 73,4km, giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe cao tốc hạn chế, nền đường rộng 17m, vận tốc khai thác 80km/h, tổng mức đầu tư 12.104 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

“Trường hợp dự án được cấp thẩm quyền đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, công trình này sẽ triển khai rất nhanh do không phải thực hiện một số công đoạn như đầu tư bằng hình thức PPP. Dự án đảm bảo chắc chắn hoàn thành trong năm 2025”, ông Sơn nói.

Nhà đầu tư phải bỏ tiền trước

Không thua kém tiến độ chuẩn bị đầu tư hai phân đoạn đầu và cuối của tuyến Dầu Giây - Liên Khương, ngay khi được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, giữa tháng 3/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án Tân Phú - Bảo Lộc (phân đoạn giữa của tuyến Dầu Giây - Liên Khương) theo hình thức PPP.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là ước mơ của người dân tỉnh Lâm Đồng nhiều năm nay. Các đoạn cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ góp phần thay đổi bộ mặt KT-XH của tỉnh Lâm Đồng, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM đến Đà Lạt chỉ 3 giờ thay vì trên 6 giờ như hiện nay.
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng


Dự án được đề xuất có chiều dài 67km. Dự kiến phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 (2021 - 2025), đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường 17m, mặt đường 14m.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 16.408 tỷ đồng gồm: 6.500 tỷ đồng vốn góp của Nhà nước, phần vốn còn lại khoảng 9.908 tỷ đồng sẽ do nhà đầu tư huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đối với phần vốn góp của Nhà nước tại dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cam kết dành khoảng 4.500 tỷ đồng ngân sách địa phương, còn lại 2.000 tỷ đồng là phần vốn góp của ngân sách Trung ương.

“Lâm Đồng chưa phải là tỉnh giàu nhưng chúng tôi cam kết mỗi năm dành khoảng 900 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương trong vòng 5 năm để dồn vào dự án”, ông Hiệp nói và cho biết, phần vốn góp của ngân sách Trung ương đã được cấp có thẩm quyền dự kiến ghi vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 2.000 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hiệp, điểm khác biệt tại dự án này là cơ chế giải ngân dòng vốn. Cụ thể, nhà đầu tư tham gia vào dự án sẽ phải bỏ tiền trước để triển khai, sau đó mới sử dụng phần tiền của địa phương và ngân sách Trung ương.

“Đây là cơ chế mới, chưa có tiền lệ nhưng chúng tôi đánh giá là cần thiết để lựa chọn được nhà đầu tư đảm bảo đủ năng lực, nhất là năng lực tài chính”, ông Hiệp nói và cho biết, theo kế hoạch dự kiến, cuối năm 2021, đầu năm 2022, dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc sẽ khởi công và hoàn thành vào năm 2024.

Ba dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đang đua tiến độ để triển khai các thủ tục đầu tư. Trường hợp thuận lợi, tới đây, Ban QLDA Thăng Long được giao làm đại diện chủ đầu tư và đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại hai dự án Dầu Giây - Tân Phú và Bảo Lộc - Liên Khương, còn liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Tập đoàn Hưng Thịnh - Tập đoàn Nam Miền Trung được chọn làm nhà đầu tư tại cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, những người trong lĩnh vực xây dựng cơ bản sẽ được chứng kiến cuộc so kè rất đáng chờ đợi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.