Hồ sơ tài liệu

Đức do thám đồng minh theo đơn hàng của Mỹ

06/05/2015, 08:57

Cơ quan tình báo Đức (BND) nghe trộm các quan chức châu Âu, các tập đoàn theo đề nghị của của An ninh Mỹ.

112
Điện thoại của Thủ tướng Đức từng bị NSA nghe lén

Hợp tác chứ không phải công cụ

Ngày mai (7/5) là thời hạn cuối để Chính phủ Đức cung cấp danh sách do thám của Mỹ cho Quốc hội trong thời gian 10 năm.

Trước đó, nhật báo Der Spiegel cho biết, NSA đã “nhờ” BND theo dõi trên internet, điện thoại và các phương tiện liên lạc khác của các đối tượng tình nghi khủng bố, Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus, dinh Tổng thống Pháp và Ủy ban Liên minh châu Âu. Những hành động này được cho là vượt ngoài khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.

Hãng tin AFP dẫn thông cáo của Airbus: “Những công ty lớn như Airbus thường là mục tiêu bị do thám và lần này chúng tôi thực sự lo ngại vì các mối nghi ngờ rất rõ ràng” và tuyên bố sẽ kiện Mỹ, Đức ra tòa.

Tờ Der Spiegel cho biết, NSA cung cấp số điện thoại, địa chỉ email của các công ty châu Âu để nhờ BND “theo dõi hộ”. Báo giới cũng cho biết, Phủ thủ tướng Đức đã biết về việc Mỹ do thám kinh tế nhằm vào các công ty châu Âu từ năm 2008, song đã không có phản ứng do sợ ảnh hưởng tới việc hợp tác tình báo với Mỹ.

Giám đốc BND Gerhard Schindler bác bỏ những cáo buộc việc cơ quan này vi phạm pháp luật trong khi hợp tác với NSA. Ông Schindler nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác nhằm giúp thực thi các nhiệm vụ, chứ BND không phải là “công cụ” của NSA.

Yêu cầu trách nhiệm cá nhân

Vụ bê bối này hiện đang là chủ đề tranh cãi, gây ảnh hưởng tới quan hệ liên minh cầm quyền. Tổng Thư ký đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Yasmin Fahimi yêu cầu phải có trách nhiệm cá nhân một khi có kết luật của Ủy ban điều tra NSA của Quốc hội Đức.

Ngày 4/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel bảo vệ BND trước những cáo buộc rằng cơ quan này vi phạm luật pháp khi hỗ trợ NSA; đồng thời cam kết sẽ ra làm chứng trước Quốc hội nếu được yêu cầu. Bà Merkel tuyên bố việc các quốc gia đồng minh tiến hành do thám lẫn nhau là điều không thể chấp nhận. Tuy nhiên, bà ủng hộ việc BND hợp tác với NSA trong cuộc chiến chống khủng bố.

Đảng đối lập thì kêu gọi các quan chức đã từng và hiện phụ trách Văn phòng Phủ Thủ tướng Đức, trong đó có Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier giải trình mọi thông tin liên quan NSA cho Ủy ban Điều tra NSA của Quốc hội.

Hiện, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maizière - từng làm Chánh văn phòng Phủ Thủ tướng giai đoạn 2005-2009 đang bị kêu gọi từ chức. Người kế nhiệm ông Maizière là Peter Altmaier và Ronald Pfalla, cũng như Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier phải chịu trách nhiệm. Dù vậy, ông Maizière vẫn kêu gọi đẩy mạnh hợp tác giữa BND với NSA trong cuộc chiến chống khủng bố.

Một nguồn tin giấu tên từ Ủy ban Điều tra NSA của Quốc hội Đức cho biết, Phủ Thủ tướng đã biết việc này từ nhiều năm trước. Không thể có chuyện người phụ trách Phủ Thủ tướng không được thông tin về một vụ việc như vậy. Cũng nguồn tin này cho biết, có thể Đức đã phải chọn giải pháp “nhắm mắt làm ngơ” để có thể tiếp tục hợp tác tình báo với NSA, nhất là trong nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố.

Pháp cũng là đối tượng bị nghe lén, nhưng Bộ Ngoại giao nước này cho rằng, thông tin mà truyền thông Đức đưa ra không mới so với những gì mà cựu nhân viên NSA - Edward Snowden tiết lộ năm 2013 rằng, NSA tiến hành do thám các mục tiêu của Pháp và có quan hệ đối tác với các nước châu Âu. Và Thủ tướng Đức từng là đối tượng bị NSA nghe lén điện thoại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.