Hậu trường sao

Đức Huy - chàng lãng tử ngoài đời, chiến binh trên sân cỏ

26/01/2019, 07:43

Nhờ vẻ ngoài cá tính, cộng thêm chút râu quai nón, tiền vệ Phạm Đức Huy được người hâm mộ đặt biệt danh “hoàng tử”.

img
Phạm Đức Huy (số 15) ăn mừng bàn thắng vào lưới Malaysia trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 - Ảnh: AFF

“Chỉ dừng lại khi đối thủ dừng lại”

Trong trận đấu với đội tuyển Iran tại Asian Cup 2019, sau một pha tranh chấp quyết liệt với cầu thủ đối phương, tiền vệ Phạm Đức Huy của đội tuyển Việt Nam đã bị choáng và mất trí nhớ tạm thời. Rất may, Huy hồi phục nhanh và chỉ sau một ngày đã lấy lại toàn bộ khoảng ký ức trước và trong trận gặp Iran. Chi tiết này là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần chiến binh của Đức Huy - chàng trai tới từ vùng quê Thanh Miện, Hải Dương. Tất cả những HLV từng làm việc với Đức Huy đều chung quan điểm, tiền vệ này chơi cực kỳ máu lửa, nhiệt tình.

Thậm chí, có những lần Huy bị đau nhưng cố gắng giấu để được điền tên vào đội hình xuất phát. Cá biệt, tại ASIAD 2018, trước trận tranh HCĐ môn bóng đá nam với UAE, Đức Huy bị trào ngược dạ dày, nôn thốc nôn tháo trước giờ bóng lăn khoảng 2 tiếng đồng hồ. Huy không nói với ai, ra sân thi đấu bình thường, khi nào khó chịu quá lại chạy lại đường biên uống hụm nước rồi vào đá tiếp. Trận đó, Huy “cày đủ” 120 phút. Cũng ở trận đấu nói trên, có tình huống cầu thủ đội bạn phạm lỗi, trọng tài cắt còi, gần như tất cả đã đứng lại nhưng một cầu thủ UAE vẫn dốc bóng về phía khung thành Tiến Dũng. Khi đó, Đức Huy chạy theo bằng được để cản phá. Trở về sau ASIAD, chia sẻ về tình huống này, Huy bảo: “Còi có thể giả, em chỉ dừng lại khi đối phương dừng lại”.

Từ nhỏ, Huy đã đam mê trái bóng tròn, thường theo anh trai đi đá bóng khắp làng trên xóm dưới. Đam mê lại sớm bộc lộ năng khiếu, năm 2006, Đức Huy được tuyển chọn vào đội U11 Hải Dương dự giải U11 toàn quốc. Lần đó, Huy cùng đồng đội đi tới Tứ kết và đây chính là bước ngoặt lớn nhất sự nghiệp của chàng trai này.

Từ giải U11 toàn quốc, Huy được các thày ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Hà Nội “nhắm” và cất công về tận Hải Dương “chiêu mộ”. 11 tuổi, độ tuổi còn quá trẻ nhưng Huy lại rất rắn rỏi trong suy nghĩ. Thấy bố mẹ lưỡng lự, Huy quả quyết: “Bố mẹ cho con đi, nếu không theo được bóng đá, con sẽ về thi đỗ hai trường đại học”.

Tuyên bố đầy “hùng hồn” nhưng khi về Hà Nội ăn tập, những ngày đầu Huy liên tục khóc, đòi về vì nhớ nhà. Các thày ở trung tâm muốn giữ Huy lại nên mời bố mẹ cậu đến ở cùng một thời gian để Huy ổn định tâm lý, quen với môi trường mới. Ngoài ra, dù được đánh giá rất tiềm năng nhưng so với nhiều đồng đội ở trung tâm, Huy không quá nổi bật. “Điểm mạnh nhất của Huy là sự cầu thị. Em luôn tập luyện cần mẫn, thi đấu nghiêm túc và đều chân dù không nổi bật như Quang Hải, Duy Mạnh hay Đình Trọng. Trên sân, kể cả khi đá với các anh lớn hơn, Huy rất ít khi mất bóng còn trường hợp để mất thì em chạy theo đoạt lại bằng được”, thày Nguyễn Trọng Hồng - người dìu dắt Đức Huy từ những ngày đầu chia sẻ.

img
Đức Huy cùng bố mẹ trong lễ vinh danh đội tuyển Việt Nam sau chức vô địch AFF Cup 2018

Chàng trai tình cảm

Trên sân bóng, Đức Huy xù xì, mạnh mẽ, lì lợm bao nhiêu thì ngoài đời chàng trai quê Hải Dương lại tình cảm bấy nhiêu. Cô Nhâm, mẹ Đức Huy kể rằng, đến giờ cô vẫn nhớ như in khoảng thời gian gia đình khó khăn, Huy là nguồn động viên to lớn với vợ chồng cô: “Huy vừa lên Hà Nội tập bóng đá được một, hai năm thì nhà tôi làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất. Tôi và bố Huy phải lăn lộn khắp nơi kiếm tiền trang trải. Lần nào gọi điện cho con, Huy cũng hỏi bố mẹ có mệt không, mệt thì phải nghỉ chứ không được tham việc. Huy nói sau này sẽ cố gắng kiếm được nhiều tiền để bố mẹ bớt khổ. Mỗi dịp vợ chồng tôi đến thăm con, khi về tôi để ý thấy em luôn quay mặt đi, không dám nhìn. Những lúc như vậy, tôi biết Huy đã biết suy nghĩ, biết thương bố mẹ”.

Cũng theo lời kể của cô Nhâm, đã ngoài 23 tuổi nhưng mỗi lần về nhà, cầu thủ thuộc biên chế Hà Nội FC đều đòi ngủ với mẹ: “Mẹ con xa nhau lâu ngày, có nhiều chuyện để nói. Huy kể chuyện ăn ở, sinh hoạt, chuyện được đi đây đi đó thi đấu đầy hào hứng, lắm khi hai mẹ con mải nói tới sáng, quên cả ngủ. Nhưng riêng chấn thương thì Huy không bao giờ kể vì sợ bố mẹ lo lắng. Cô Nhâm còn cho biết thêm, trong làng có một bé trai bị mẹ bỏ rơi, phải ở cùng ông bà đã lớn tuổi được Huy nhận đỡ đầu. Từ khi có lương nhờ đá bóng, hàng tháng Huy đều gửi tiền về để chu cấp cho bé.

Ở đội tuyển Việt Nam, Huy cũng là cầu thủ luôn quan tâm tới các đồng đội, nhất là trong thời điểm khó khăn. Tại ASIAD 2018, trước khi vào sân và ghi bàn quyết định giúp Việt Nam vượt qua Syria ở tứ kết, Văn Toàn gần như bị HLV Park Hang-seo bỏ rơi và trở nên suy sụp. Thấy vậy, Huy động viên: “Bạn phải cố gắng, nỗ lực tập luyện và khi vào sân phải chơi thật tốt, ghi bàn để người ta phải nhắc tới tên mình. Nếu không bạn sẽ bị lãng quên”. Nhờ được Huy “tiếp sức”, Văn Toàn sau đó thi đấu bùng nổ, tự tin trở lại”.

Những bí mật của Đức Huy


1. Bị điện giật: Năm Đức Huy 7 tuổi, trong một lần nghịch ngợm, anh đã bị điện giật. Rất may hàng xóm đã kịp ứng cứu.

2. Rất thích ăn mắm tôm: Đức Huy rất thích ăn mắm tôm nên món ăn tủ của tiền vệ người Hải Dương phải là những món có mắm tôm như: Bún đậu mắm tôm, canh ốc nấu chuối, chả cá…

3. Muối vừng, mắm tép: Mỗi lần Đức Huy thi đấu ở nước ngoài, hành trang của anh không thể thiếu muối vừng và mắm tép.

4. Từng nhặt bóng trận chung kết AFF Cup 2008: Đức Huy và Duy Mạnh là hai cầu thủ từng nhặt bóng trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2008 trên sân Mỹ Đình. 10 năm sau, cả hai cùng bước lên ngôi vô địch.

5. Học tiếng Anh từ Xuân Trường: Ở đội tuyển Việt Nam, Đức Huy luôn được xếp chung phòng với Xuân Trường và Đức Huy thường nhờ đồng đội truyền thụ kiến thức tiếng Anh những lúc rảnh. Đến nay, anh đã có thể giao tiếp với thày bằng ngôn ngữ này.

6. Chung đội với Văn Toàn từ năm 10 tuổi: Năm 2005, Đức Huy được tuyển chọn vào đào tạo tại Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện thể thao tỉnh Hải Dương cùng với Nguyễn Văn Toàn và Lê Văn Sơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.