Thế giới giao thông

Đức thu phí đường để đầu tư cho hạ tầng

15/04/2015, 09:24

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Đức ngày một giảm sút dẫn đến đầu tư các ngành khác cũng bị giảm theo.

101
Hạ tầng giao thông Đức đang thiếu kinh phí

Nhà đầu tư bỏ đi vì hạ tầng yếu

Fratzscher, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia Đức không ngần ngại khi cảnh báo rằng, sự thịnh vượng của nước Đức đang giảm sút. Những con số thực tế cho thấy, Đức có tốc độ tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của các nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu kể từ khi bước sang thế kỷ 21; cứ ba lao động lại có hai người có thu nhập thấp hơn so với năm 2000.

Rainer Hundsdorfer, Giám đốc điều hành Ebm-Pabst - một tập đoàn sản xuất quạt công nghiệp cung cấp cho hệ thống siêu thị, ngành dịch vụ khách sạn và công nghiệp máy tính toàn cầu đang có kế hoạch đầu tư 50 triệu euro để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, ông Hundsdorfer không chắc chắn rằng mình sẽ đầu tư khoản tiền lớn này ở quê nhà Franconia. Bởi, Hundsdorfer cho rằng: “Những xe tải của Ebm-Pabst đang buộc phải sử dụng Hollenbacher Steige - một con đường đang xuống cấp cần vá víu nâng cấp ngay, để đi lại. Con đường đó có những đoạn nhỏ hẹp tới mức hai xe đi ngược chiều không thể tránh nhau. Hệ thống đường giao thông với chất lượng tốt sẽ khiến kế hoạch đầu tư của chúng tôi trở nên giá trị hơn”.

Dự án xây dựng con đường nói trên sẽ tốn khoảng 3,48 triệu euro nhưng Chính phủ cũng như chính quyền địa phương vẫn ngần ngại đầu tư suốt nhiều năm qua vì lý do chi phí. Còn Rainer Hundsdorfer sẽ không bao giờ chịu bỏ tiền cho con đường này vì: “Chúng tôi đã đóng thuế nhiều hơn cả mức đầu tư xây dựng con đường này rồi. Tại sao tôi phải tiếp tục xây dựng cơ sở trên hệ thống đường xá nghèo nàn thế này”.

Trên thực tế, ông Hundsdorfer không phải là doanh nhân duy nhất lựa chọn cách thức trên. BMW đã đầu tư 1 tỷ USD biến nhà máy sản xuất Spartanburg ở Nam Carolina (Mỹ) thành nhà máy lớn nhất thế giới của hãng. Daimler lắp ráp thế hệ ô tô đời mới C class cho thị trường Mỹ tại thị trấn Tuscaloosa, Alabama. Công ty sản xuất thiết bị ngành sơn Durr cũng mở nhà máy ở Thượng Hải. Làn sóng này sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn nếu hạ tầng tiếp tục bị bỏ rơi.

Muốn thịnh vượng, đầu tư cho hạ tầng

Theo một nghiên cứu mới đây, một nửa số km cầu, đường ở Đức đang hỏng nặng và cần được sửa chữa khẩn cấp. Trước đây, Chính phủ thường dành 25% GDP đầu tư vào xây dựng đường sá giao thông, viễn thông, trường học và nhà máy vào những năm 1990, thì nay con số này chỉ còn ở mức 19,7% vào năm 2013.

Rất nhiều nhà phân tích kinh tế kết luận rằng, các công ty hiện nay đang lo lắng bởi nhiều vấn đề trong đó, có hệ thống đường xuống cấp. Điều này ảnh hưởng đến cả quá trình hoạch định tương lai của nước Đức. Nếu một euro được tiêu ngay lập tức, nó chẳng có tác dụng gì với tương lai. Tuy nhiên, cũng đồng euro ấy đầu tư cho hạ tầng thì sẽ trở thành nền tảng cho sự thịnh vượng, tiến bộ công nghệ và nhiều việc làm hơn cho người dân.

Để giải quyết vấn đề kinh phí cho hạ tầng, cuối tháng 3 vừa rồi, Hạ viện Đức thông qua dự luật thu phí khi lái xe trên quốc lộ, cao tốc. Theo đó, kể từ năm 2016 xe nước ngoài tới Đức phải trả phí đường (như công dân Đức) bằng cách mua tem điện tử theo biển số xe và sẽ được kiểm soát theo biển số. Các loại vé gồm: 10 ngày (10 euro), hai tháng (22 euro) hoặc một năm… song không vượt quá 130 euro/năm. Đồng thời, trong năm nay, Đức sẽ xây dựng khoảng 470 trạm kiểm soát cố định và các trạm kiểm soát di động để kiểm soát. Những xe bị phát hiện trốn vé lần đầu sẽ bị phạt 150 euro, lần sau lên 240 euro.

Mặc dù kế hoạch này sẽ được Thượng viện xem xét một lần nữa vào đầu tháng 5/2015, nhưng thực tế Thượng viện không có quyền dừng việc thực thi kế hoạch này, vì vậy nó chắc chắn sẽ được triển khai vào năm 2016. Bộ trưởng Giao thông Đức Dobrindt cho biết, nếu chủ trương thu phí được thông qua và áp dụng, ngân sách hàng năm dành cho bảo trì và phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tăng thêm 500 triệu euro. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.