Hỏi - Đáp

Dùng bản sao giấy tờ xe tham gia giao thông được không?

11/11/2021, 07:07

Theo quy định, các loại giấy tờ mà người dân mang theo khi điều khiển phương tiện phải là giấy tờ bản chính do cơ quan Nhà nước cấp...

Hỏi:

Tính tôi đãng trí, đã vài lần bị mất ví. Vậy, tôi có thể cất giấy tờ xe, đăng ký xe… bản gốc ở nhà, mang bản photo có công chứng tham gia giao thông được không?

Trần Linh (Tam Điệp, Ninh Bình)

img

Ảnh minh họa

Thiếu tá Nguyễn Việt Tiệp (Phó Đội trưởng Đội CSGT - trật tự Công an quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) trả lời:

Luật Giao thông Đường bộ quy định, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau: Đăng ký xe; Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Ngoài ra, theo quy định của Nghị định 05/1999/NĐ-CP và Luật Căn cước công dân 2014, người điều khiển phương tiện còn phải mang theo Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.

Theo quy định, các loại giấy tờ mà người dân mang theo khi điều khiển phương tiện phải là giấy tờ bản chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phù hợp với loại xe đang điều khiển và còn hiệu lực, không thể sử dụng giấy tờ photo, kể cả photo có công chứng (hay chính xác là bản sao chứng thực giấy tờ xe) cũng không được chấp nhận.

Tuy nhiên, theo khoản 13 Điều 80 Nghị định này, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký xe trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe (thế chấp, mua trả góp…).

Nếu không phải trường hợp chủ xe thế chấp, mua trả góp, thì khi chỉ xuất trình được bản sao giấy tờ xe, người điều khiển phương tiện vẫn sẽ bị phạt với lỗi không mang theo Giấy đăng ký xe với mức: 200 - 400 nghìn đồng đối với ô tô; 100 - 200 nghìn đồng đối với xe máy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.