Xem - ăn - chơi

Đừng biến cái linh thiêng thành trò cười phàm tục

24/02/2016, 13:09

Tàng thinh (sinh thực khí nam), Mặt nguyệt (sinh thực khí nữ) - hai vật mang “sức mạnh và ý nghĩa tâm linh”.

1-1456117128960
Hình ảnh rước linh vật trong lễ hội Ná Nhèm, Lạng Sơn. Ảnh theo Tri thức trẻ

Lễ hội Ná Nhèm (thuộc xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) đã bị lãng quên từ năm 1963, nhưng từ năm 2012 đến nay, lễ hội được khôi phục. Một trong những hoạt động độc đáo của lễ hội là việc rước linh vật Tàng thinh và Mặt nguyệt để cầu vạn vật  giao hòa, nảy nở.

Tàng thinh (sinh thực khí nam), Mặt nguyệt (sinh thực khí nữ) - hai vật mang “sức mạnh và ý nghĩa tâm linh”. Thực tế, những vật mang tính biểu tượng của tâm linh thường chỉ được tạo dưới một hình dáng có tính tượng trưng, ước lệ, không nhất thiết cụ thể hóa đến mức người xem dễ liên tưởng không hay. 

Thế nên, hình ảnh y như thật của hai vật linh thiêng được đưa vào Lễ hội Ná Nhèm bỗng chốc hóa thành tâm điểm chú ý của người tham gia lẫn người xem trên mạng xã hội. Hình ảnh những cô gái trẻ thẹn thùng sờ vào linh vật để cầu may còn khách thập phương đến lễ hội thì cười nghiêng ngả khi nhìn thấy vật này, nó như một sự lệch chuẩn văn hoá.

Không ai phủ nhận Lễ hội Ná Nhèm hàm chứa phần thiêng, cổ truyền (tổ tiên, thần linh trong phần lễ) và cái phàm (hoạt động xã hội trong phần hội). Phần thiêng là cái hồn, cái cốt lõi quy định nên diện mạo và tính chất phần hội. Tuy nhiên, bản chất, ý nghĩa và sự linh thiêng của lễ hội đã bị biểu tượng sinh thực khí nam, nữ "kiểu mới" làm cho mai một phần nhiều.

Lễ hội là hoạt động tập thể và thường liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Con người khi xưa rất tin vào trời đất, thần linh. Các lễ hội cổ truyền phản ánh hiện tượng đó. Tôn giáo thông qua lễ hội để thần linh hóa những thứ trần tục, nhưng trải qua thời gian, ngày nay lễ hội mang tính chất văn hóa nhiều hơn, mà văn hóa mang tính chất giải trí là chính, vì vậy hình thức các lễ hội bị biến tướng đi rất nhiều.

Hiện nay, ở những lễ hội linh thiêng cần được tôn kính, trang trọng thì con người lại mang theo cả đời sống trần tục. Tham gia lễ hội, ngoài đại bộ phận người dân tìm đến với tâm thức thánh thiện thì vẫn tồn tại một lực lượng đôi khi vì hiếu kỳ, vì tâm lý “nhiều người tới chắc hẳn rất vui, ừ thì đi”. Có lẽ vì thế nhiều người đến lễ hội không cảm nhận được gì từ cái không gian và thời gian thiêng liêng ấy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.