Thời sự

Đừng biến học sinh thành ông cụ non

12/11/2014, 13:06

PGS.TS. Bùi Thị An (Hà Nội) nhận định như vậy khi thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông tại phiên thảo luận tổ Quốc hội (QH) chiều 11/11.

ĐB QH TP Hà Nội Bùi Thị An phát biểu thảo luận ở tổ chiều 11/11Ảnh: Lã Anh
ĐB QH TP Hà Nội Bùi Thị An phát biểu thảo luận ở tổ chiều 11/11

Viết sách  theo cách tiếp cận mới

Tại đoàn Quảng Trị, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho hay, không đi vào chi tiết, đề án này không thể nói hết được mà chỉ tính toán nội dung lớn để QH bàn cho chủ trương. “Bao nhiêu bộ SGK thì tôi cũng không khẳng định được. Nhưng chúng tôi tính trên thực tế, với số lượng người tham gia, lạc quan nhất là có khoảng bốn bộ”, ông Luận nói.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, lần này làm sách không như ngày trước mà viết theo cách tiếp cận mới. Trước đây theo cách thày truyền cho trò, kiến thức một chiều. Điều thày nói ra là chân lý, viết đầy đủ như lời thày, như sách thì điểm cao, giờ đây chuyển sang viết theo hướng khác: Phát huy phẩm chất năng lực người học.

“Chúng ta không phải lo viết sách ra Bộ GD&ĐT lại không dùng mà lo có ai viết không và viết có đảm bảo chất lượng không. Trong những người có kinh nghiệm viết, không phải ai cũng sẵn sàng. Bởi viết SGK phải bỏ hẳn công việc, tập trung viết trong thời gian nhất định như vào trại sáng tác nhà văn”, ông Luận khẳng định và  cho biết Bộ GD&ĐT đã và đang chuẩn bị bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên, anh em có thể tham gia viết sách.

Trước ý kiến băn khoăn việc Bộ GD&ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa thẩm định SGK, ông Luận cho rằng, Bộ không đứng ra tự biên soạn mà tổ chức các giáo viên, nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu tham gia. “Bộ đã ký với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN để họ giới thiệu chuyên gia soạn sách. Còn việc thẩm định là do một hội đồng độc lập, không phụ thuộc bộ nào. Nếu sách đạt chuẩn lưu hành thì Bộ sẽ có văn bản công nhận bộ đó hợp pháp, được lưu hành”, Bộ trưởng GD&ĐT cho hay.

Bỏ bớt một nửa chương trình như hiện nay

Phát biểu về đề án này tại phiên thảo luận, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đặt ra yêu cầu: Đề án mới này đừng biến học sinh thành các ông cụ non, bà cụ non.

“Học sinh gần như mụ mẫm. Tại TP Hồ Chí Minh, 20% học sinh tiểu học nhiễm mỡ máu do học nhiều, ngồi nhiều, không có thời gian vui chơi, tập thể thao. Học sinh hầu như đeo kính hết. Đây là hình ảnh mà trong nhiều năm nay quá quen thuộc. Một trong các nguyên nhân làm các em như thế là do SGK. Đây không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta mà phải làm sao để các em khỏe mạnh, có trí tuệ chủ động, năng động tự tin vào cuộc sống. Thế hệ đó mới xây dựng Việt Nam đi lên”, bà An nói và đề nghị bỏ bớt một nửa chương trình như hiện nay.

Mặc dù chia sẻ với ngành GD&ĐT nhưng theo ĐB Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang), đổi mới là việc khó nhưng càng khó càng phải làm nghiêm túc, chứ nếu nói cho vui thì khổ con cháu mình. “Phần quan trọng nhất của đề án này là đổi mới cái gì. Nếu tiếp cận đầy đủ phải là đổi mới chương trình SGK và phương pháp dạy và học. Có bộ sách mới phải có phương pháp để “tải” được nó, có không gian giáo dục để học sinh tiếp thu. Phải chuyển từ việc truyền đạt kiến thức thày có cho học trò, bằng việc để học sinh phát huy khả năng của mình.

Thế giới người ta dạy lịch sử ở trường ít thôi mà thường dẫn các cháu đến viện bảo tàng, viện nghiên cứu... Giảng đường vẫn là chính nhưng phải mở rộng không gian giáo dục ra”, ông Quân đề nghị.

Còn ĐB Hoàng Ngọc Dũng (Sơn La) thì lo ngại, theo đề án này thì sẽ có một bộ SGK do Bộ biên soạn được thẩm định bởi hội đồng thẩm định về chương trình SGK. Sẽ không tránh khỏi tâm lý e ngại, chọn bộ sách do Bộ biên soạn hay các tổ chức cá nhân biên soạn? “Tâm lý chung thì tôi nghĩ họ chọn sách của Bộ GD&ĐT là nhiều hơn”, ông Dũng chia sẻ.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.