Đã nhiều năm trôi qua, song ký ức về những ngày tháng gian khổ thi công tuyến QL217 lên miền núi Thanh Hóa chưa khi nào phai mờ trong tâm trí ông Phạm Văn Ban (SN 1937, nguyên Giám đốc Công ty Cầu đường 1 Thanh Hóa).
Một năm làm được 2km đường
Tuyến QL217 qua địa phận huyện Quan Sơn
Tuyến QL217 nối ngã ba Đồng Tâm, huyện Bá Thước lên cửa khẩu Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) trước năm 1973 là đường rừng núi hiểm trở, đất, đá lởm chởm, rộng chừng 3,5m nên đi lại rất khó khăn.
Từ năm 1974, tuyến đường mới được Công ty Cầu đường 1 Thanh Hóa thi công nâng cấp, mở rộng ra 6m, rải nhựa. Thời điểm này, ông Ban làm Trưởng phòng Quy hoạch, kỹ thuật.
“Tuyến QL217 mở từ khi nào tôi không biết nhưng đến năm 1974 tôi thi công mới biết con đường này. Lúc đó, đường đi lại vất vả lắm. Từ TP Thanh Hóa đến công trường mất một ngày trời. Ở công trường lúc nào cũng có từ 500 - 600 người thay nhau dùng búa đập đá thủ công.
Chúng tôi dùng cuốc, xẻng cắt những khúc cua, hạ dốc cao và mở rộng ra hai bên đường. Nhựa đường được nấu trong phi sắt, làm đến đâu, thảm đến đó. Một năm chúng tôi chỉ làm được 2km đường. Do ngày xưa không có công nghệ nên tất cả đều thực hiện hoàn toàn thủ công”, ông Ban nhớ lại.
Theo ông Ban kể lại, vì địa hình rừng núi, các nhân công lao động đều sinh hoạt tại chỗ để bám công trường. Một năm về dưới xuôi mua gạo, lợn, cá… lên dự trữ ăn cả năm.
“Công trường có hai đội thi công xây dựng. Mỗi đội được cấp một xe ben để về dưới xuôi lấy thức ăn dự trữ. Ngày xưa khó khăn, chúng tôi nợ lương công nhân nhiều, có khi mãi 2 - 3 năm mới thanh toán một lần. Thế nhưng, công nhân vẫn bám trụ để làm. Chúng tôi còn cho xây hai nhà trẻ cho hơn 100 công nhân là phụ nữ có con hoặc mang con đi theo”, ông Ban kể.
Nói về việc làm đường thời bấy giờ, ông Ban chia sẻ, về kỹ thuật không có gì đặc biệt, công cụ lao động hoàn toàn là cuốc, xẻng. Mỗi đội thi công có một lò rèn để sửa chữa cuốc, xẻng, xà beng khi bị hư hỏng. Còn để đẩy nhanh tiến độ dự án, hàng trăm người phải làm ngày, làm đêm. Làm từ năm 1973 đến gần cuối năm 1979, tuyến đường mới làm xong.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông miền núi
Việc duy tu, bảo trì tuyến QL217 thường xuyên được thực hiện
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Trung, Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, QL217 có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo sự gắn kết ngoại giao giữa Việt Nam và Lào qua cửa khẩu quốc tế Na Mèo.
“Ngay từ khi mở tuyến đường 217 này đã xác định được tầm quan trọng nên tỉnh Thanh Hóa và Bộ GTVT không ngừng nâng cấp, mở rộng tuyến đường qua các thời kỳ nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực phía Tây của tỉnh Thanh Hóa”, ông Trung cho biết thêm.
Theo Đề án chiến lược ngành GTVT, tuyến quốc lộ QL217 có vai trò đặc biệt quan trọng trong Chương trình Hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), cùng với tuyến đường 6, 6A, 6B - tỉnh Hủa Phăn (Lào) kết nối vùng Đông Bắc Lào với phía Bắc Việt Nam, thông ra cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam và Lào ủng hộ mạnh mẽ việc nâng cấp các tuyến đường này để tối đa hóa tiềm năng kinh tế của hành lang Đông Bắc GMS và để giúp cho phía Bắc Lào tiếp cận thuận lợi với cảng Nghi Sơn.
Dự án nâng cấp mạng lưới giao thông Tiểu vùng Mekong mở rộng phía Bắc thứ 2, trong đó có việc nâng cấp QL217 (Thanh Hóa) được khởi công từ tháng 6/2013 với tổng mức đầu tư 97,4 triệu USD (khoảng 1.899 tỷ đồng), trong đó vốn vay ưu đãi từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 75 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 22,4 triệu USD.
Tuyến QL217 được nâng cấp (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 94,7km. Phạm vi xây dựng thuộc 3 huyện: Cẩm Thủy, Bá Thước và Quan Sơn của tỉnh Thanh Hóa, với điểm đầu tuyến chính ở xã Đồng Tâm, huyện Bá Thước và điểm cuối tại khu vực cửa khẩu Na Mèo, huyện Quan Sơn. Tuyến chính có chiều dài khoảng 88,2km; thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi, tốc độ thiết kế 40km/h, chiều rộng nền đường là 7,5m.
Dự án có 20 cầu được xây dựng mới. Tất cả các cầu được thiết kế vĩnh cửu theo tiêu chuẩn 22TCN272-05 bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Khổ cầu phù hợp với khổ nền đường; tải trọng thiết kế cầu HL93. Dự án đã được hoàn thành và đi vào sử dụng từ năm 2016.
“Việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông QL217 đã góp phần phát triển kinh tế, giao thông giữa các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa với đồng bằng và vùng lân cận. Đồng thời, giảm tải cho các tuyến đường như QL1A, đường Hồ Chí Minh, QL10, 15A…”, ông Nguyễn Đức Trung cho hay.
Ngày xưa việc thi công tuyến đường này rất vất vả vì địa hình đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn. Trong khi đó, công nghệ không có chỉ làm bằng sức người nên để một dự án hoàn thiện phải mất 6, 7 năm trời. Công nhân vất vả bám trụ công trường để thi công ngày đêm.
Mặc dù việc xây dựng bằng thủ công nhưng chất lượng công trình được đảm bảo. Sau này, chúng tôi cũng sửa chữa nhiều lần nhưng thời điểm này đã được áp dụng công nghệ vá đường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận