Xã hội

Dừng đăng cai ASIAD 18 sẽ không bị phạt

02/04/2014, 06:59

"Nếu chúng ta không đủ tiền bạc, không đủ điều kiện để tổ chức thì có thể xin rút lui không đăng cai. Tôi thấy chưa có chế tài quy định không đăng cai ASIAD sẽ bị phạt".

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên


Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18) là một sự kiện lớn, không chỉ có ý nghĩa về thể thao mà nó còn có ý nghĩa nhiều mặt khác. Trước những câu hỏi của PV về quy trình, thủ tục, số tiền đặt cọc... để Việt Nam đăng cai ASIAD 18, Bộ trưởng Nên cho biết, thông thường các nước được quyền đăng cai ASIAD có hai lý do: Thứ nhất là được phân công, thứ hai là các nước cảm thấy đủ năng lực để tự nhận đăng cai nhằm quảng bá hình ảnh đất nước. Năm 2010, khi Bộ VH,TT&DL nắm được thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ này và các cơ quan liên quan bàn bạc, thống nhất chủ trương để bắt đầu chuẩn bị đăng cai tổ chức ASIAD vào năm 2019. Ngày 8/11/2012, Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 18 trong phiên họp của Hội đồng Olympic châu Á (OCA) tại Macau (Trung Quốc). Cuộc bỏ phiếu chỉ có hai ứng cử viên, Hà Nội (Việt Nam) giành 29 phiếu, trong khi Surabaya (Indonesia) nhận 14 phiếu. 


"Sau khi giành được quyền đăng cai, Chính phủ đã yêu cầu Bộ VH, TT&DL cùng TP Hà Nội và các ngành liên quan khảo sát, đối chiếu lại xem có chính thức đăng cai tổ chức hay không? Những ngày qua đã có rất nhiều ý kiến của người dân, các chuyên gia, những người tâm huyết về vấn đề chúng ta nên tiếp tục hay dừng đăng cai tổ chức ASIAD 18. Tại cuộc họp Chính phủ sáng 1/4, Thủ tướng đã yêu cầu, trong tuần sau Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL phải báo cáo vấn đề này để Thủ tướng quyết định", ông Nên nói.


Bộ trưởng Nên cũng khẳng định: "Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ chưa phải bỏ ra một đồng tiền nào để đặt cọc cho việc đăng cai ASIAD 18". Số tiền Việt Nam đăng ký để tổ chức ASIAD 18 là 150 triệu USD, thời điểm đó là năm 2010 còn sự kiện ASIAD 18 diễn ra vào năm 2019 nên có nhiều người cho rằng chúng ta đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Bộ trưởng Nên khẳng định, vấn đề này sẽ không có ảnh hưởng gì lớn, bởi trong lịch sử thể thao châu Á đã từng có hai nước trả lại không đăng cai ASIAD vào các năm 1970, 1978 vì những điều kiện khách quan. 

 

Đồng ý tách MobiFone khỏi VNPT


Cũng tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 1/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đồng ý tách công ty MobiFone ra khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để chuẩn bị cổ phần hóa. Vinaphone và MobiFone sẽ trở thành hai đơn vị tách biệt, cùng hoạt động trên thị trường viễn thông với mục tiêu cùng lớn mạnh, giữ thương hiệu và để phát triển tốt hơn. 


Đồng thời, Chính phủ cũng giao cho Bộ TT&TT thực hiện tái cơ cấu theo đúng lộ trình Chính phủ đã thông qua.


Theo Đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông đã được Bộ TT&TT trình Chính phủ, MobiFone sẽ tách ra khỏi Tập đoàn VNPT và thành lập Tổng Công ty Thông tin di động. Tổng Công ty này cung cấp đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ thông tin di động và MobiFone là một thành viên.



Đình Quang
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.