Bạn cần biết

Đừng để ân hận vì không khám sức khỏe trước khi cưới

07/01/2017, 10:29

Chỉ vì rào cản tâm lý, nhiều cặp đôi sau khi kết hôn mới thấy ân hận khi trước đó không tìm hiểu...

16

Khám tiền hôn nhân nhằm phát hiện những bệnh lý truyền nhiễm, di truyền, sức khỏe sinh sản

Cưới rồi mới biết vợ mang nhiễm sắc thể XY

Nhắc lại câu chuyện đi khám tiền hôn nhân cách đây bốn năm, vợ chồng chị Nguyễn Minh Loan (Hoàng Mai, Hà Nội) lại khúc khích cười. “Ngày ấy, hai đứa suýt chia tay nhau dù đã yêu nhau bốn năm. Nhưng mình vẫn kiên quyết đi khám sức khỏe tiền hôn nhân mới đồng ý cưới”, chị Loan cho hay. Nhờ khám lần đó mới biết chồng mình mắc viêm gan B, nhưng được các bác sĩ tư vấn, nên giờ có hai đứa con nhưng ba mẹ con mình đều khỏe mạnh và không ai lây căn bệnh này. Chị Loan cho biết thêm, khi mình bắt phải đi khám trước khi kết hôn, anh ấy giận mình một thì cha mẹ chồng giận mình mười. Có lần bà còn nói thẳng với mình “nếu không tin nhau thì hai đứa đừng cưới nhau nữa”.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, BS. Dương Ngọc Vân, Khoa Sản, BV Medlatec cho biết, so với những năm trước thì gần đây tỷ lệ các cặp đôi đến khám tiền hôn nhân cũng tăng hơn. Tuy nhiên, nếu một tháng với khoảng 300 ca đến khám sản khoa thì chỉ có chừng 10-15 ca khám tiền hôn nhân. “Mặc dù vẫn ít nhưng đó cũng là tín hiệu mừng khi nhiều bạn trẻ đã ý thức hơn về lợi ích của khám tiền hôn nhân mang lại”, BS. Vân cho hay.

Tuy nhiên, không phải cặp đôi nào đến khám cũng suôn sẻ, trong quá trình làm nghề, BS. Vân cho biết, có nhiều buồn vui và cả những nuối tiếc khi khám sức khỏe tiền hôn nhân cho các bạn trẻ.

“Tôi vẫn ấn tượng với một cặp đôi đến khám. Đó là một bạn nam trẻ tuổi, cơ thể khỏe mạnh, to cao. Tất cả các chỉ số xét nghiệm đều cho kết quả tốt. Tuy nhiên, khi khám nam khoa thì chính chúng tôi cũng giật mình khi phát hiện tinh hoàn của bệnh nhân không phát triển và chỉ nhỏ như người chưa trưởng thành”, BS. Vân kể lại. Trường hợp tinh hoàn nhỏ thường gọi là teo tinh hoàn và được xác định không có tinh trùng, khả năng có thai tự nhiên là vô cùng khó. Khi biết mình bị teo tinh hoàn, chính bệnh nhân cũng vô cùng bất ngờ và hụt hẫng. Lúc đó, các bác sĩ đã tư vấn cho bạn nam, trước khi trao đổi với bạn nữ xem có nên đến với nhau và khi đến với nhau thì thỏa thuận lựa chọn phương pháp hỗ trợ sinh sản ra sao…

Hay như trường hợp cặp vợ chồng đến khám với hy vọng tìm được nguyên nhân vì sao lấy nhau hơn 1 năm mà chưa có con. Sự thật bất ngờ với cả hai người khi làm xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ mới phát hiện ra người vợ mang cặp nhiễm sắc thể XY. Bên cạnh đó, kết quả siêu âm cũng cho thấy đường âm đạo rất ngắn, không có một bên buồng trứng và tử cung, tìm mãi cũng chỉ có một buồng trứng nhỏ treo phía trên ổ bụng. Sau khi trao đổi với người nhà, bác sĩ lúc này mới biết khi lên 6 tuổi, bạn nữ này đã từng phẫu thuật tinh hoàn thoát vị bẹn, gia đình biết mang nhiễm sắc thể XY nhưng quyết giấu. Chính bạn nữ này cũng không biết, bởi cơ thể phát triển rất nữ tính, tóc mượt, da mịn, ngực nở và vô cùng xinh đẹp. “Giá trước khi kết hôn, cả hai cùng đi khám tiền hôn nhân thì sẽ chủ động hơn, được tư vấn, lựa chọn cho mình biện pháp hỗ trợ khác mà vẫn hạnh phúc”, BS. Vân cho hay.

Khám tiền hôn nhân, bước đệm cho hạnh phúc bền lâu

Chính tại đơn vị Thalassemia của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, phần lớn bệnh nhi buộc phải gắn mình với căn bệnh quái ác này trọn đời với việc truyền máu và thải sắt định kỳ để duy trì sự sống. Theo BS. Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, Thalassemia là bệnh có đặc thù di truyền trên nhiễm sắc thể. Thông thường, người mang gen bệnh không có biểu hiện lâm sàng gì đặc biệt, nhưng khi hai người cùng mang gen bệnh kết hôn không mà làm xét nghiệm tiền hôn nhân, khi sinh con thì mỗi một lần sinh sẽ có 25% khả năng bị bệnh. Nếu biết trước, y khoa có thể phát hiện bệnh khi thai nhi khoảng 10 - 12 tuần tuổi và có chỉ định can thiệp.

Cũng như căn bệnh Thalassemia, nhiều căn bệnh khác có thể di truyền hoặc lây nhiễm nếu một trong hai vợ chồng có gen bệnh, mầm bệnh mà không được phát hiện, điều trị và có giải pháp phòng tránh. BS. Vân cho biết, cho dù vấn đề tâm lý hiện vẫn là rào cản khiến khám tiền hôn nhân vẫn chưa được nhiều cặp đôi lựa chọn. Tuy nhiên, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều vô cùng cần thiết. Bởi, lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp cặp đôi đánh giá sức khỏe một cách tổng quát, phát hiện những bệnh lý truyền nhiễm, di truyền, sức khỏe sinh sản. Và quan trọng là giúp họ chủ động điều trị kịp thời, phòng tránh bệnh. Đây cũng là bước đệm cho “sức khỏe” hạnh phúc dài lâu.

Theo tư vấn của BS. Dương Ngọc Vân, các cặp đôi nên khám trước khi kết hôn từ 3 - 6 tháng. Một số mục cần thực hiện như: Đo mạch, huyết áp, chiều cao, cân nặng, thị lực, khám hệ cơ, xương khớp, cơ quan sinh dục; Xét nghiệm công thức máu, các chức năng gan, thận, đường huyết, mỡ máu, nước tiểu; Xét nghiệm chẩn đoán những bệnh truyền nhiễm, bệnh lây qua đường tình dục (GSVB/C, HIV, giang mai, rubella); Thực hiện chẩn đoán hình ảnh: X quang tim phổi, siêu âm bụng, siêu âm ngã trực tràng/âm đạo (nếu cần); Đo điện tim. Ngoài ra, nếu có nghi ngờ về bệnh hoặc di truyền, các bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm tầm soát ung thư, bệnh về máu, khám tâm thần...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.