Thị trường

Đừng để cơ hội tuột khỏi tay khi bước vào trời Âu

21/02/2020, 07:07

Cơ hội lớn nhất của Việt Nam về EVFTA không phải ở thuế mà là cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, từ đó giúp doanh nghiệp lớn mạnh.

img
Bà Phạm Chi Lan

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cơ hội lớn nhất của Việt Nam khi tham gia Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam - EVFTA không phải ở thuế mà là cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, từ đó giúp doanh nghiệp lớn mạnh.

Bước nhảy vọt về thể chế

Thưa bà, việc hoàn thiện thể chế đã được chúng ta nói quá nhiều, chứ không phải đến khi có Hiệp định này?

Đúng như vậy. Nhưng lần này, chúng ta hoàn thiện thể chế không phải chỉ chung chung vì EVFTA có những cam kết đặt trên nền tảng hệ thống kinh tế thị trường rất hoàn chỉnh. Có nghĩa là chuẩn sẽ cao hơn. Khi thực hiện được những cam kết đó cũng có nghĩa thể chế kinh tế thị trường của chúng ta sẽ hoàn thiện hơn. Đây có thể coi là cơ hội, là bước nhảy vọt của Việt Nam về mặt thể chế!

Có thể không cần tuyên bố ồn ào, nhưng cứ sửa các luật, các chính sách theo những cam kết đối với EU để họ chấp nhận mình. Như vậy là hoàn thành được và có được thể chế kinh tế thị trường, không mất công đi vận động họ công nhận như trước đây.

Chúng ta cứ khát khao hội nhập để nâng tầm vị thế của Việt Nam, tôi nghĩ vị thế đó sẽ nâng tầm được nếu chúng ta thực hiện được cam kết và làm cho EU thấy hài lòng. Sau 5 hay 10 năm nữa, họ đánh giá Việt Nam đã tham gia rất tốt thì không cần chờ đợi ai khen ngợi hay đánh giá thêm nữa.

Vì sao bà có niềm tin như vậy?

Đây là tổ chức lớn nhất toàn cầu. So với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), họ cũng hơn nhiều. Và EVFTA khác với CPTPPP. CPTPP không có bộ máy, tổ chức để giám sát nhưng EU có Nghị viện, có Ủy ban châu Âu, có nhiều ban phụ trách các lĩnh vực khác nhau để đóng góp ý kiến về các lĩnh vực.

Tôi lấy ví dụ như quy định đấu thầu trong giao thông hay tới đây là Luật PPP, như chúng ta sẽ quy định như thế nào cho đủ minh bạch để họ tham gia? Lần trước chúng ta kêu gọi họ tham gia cao tốc Bắc - Nam nhưng họ không mặn mà vì họ thấy quy định chưa đủ minh bạch, hấp dẫn. Nhưng có EVFTA, họ đóng góp ý kiến sửa đổi quy định pháp luật, khi mình mời chào họ sẽ hăng hái ngay.

Cơ hội phát triển công nghiệp ô tô

Châu Âu là cái nôi của công nghiệp ô tô. Theo bà, EVFTA có tác động thế nào tới chiến lược phát triển ngành ô tô trong nước?

Công nghiệp ô tô là ngành mà chúng ta đang rất muốn phát triển nhưng đến nay vẫn chủ yếu là lắp ráp. Với Hiệp định này, chúng ta hoàn toàn có thể kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực cung cấp các linh, phụ kiện ô tô.

Công ty Bosch VN mà ông Võ Quang Huệ làm Tổng giám đốc trước khi sang VinFast đã phát triển nhiều năm ở Việt Nam, là nơi cung cấp rất nhiều linh kiện đòi hỏi trình độ cao ở tiêu chuẩn châu Âu cho ô tô. Họ làm rất tốt ở Việt Nam, những bộ phận chủ chốt đều do người Việt Nam làm, từ CEO đến hơn 2.000 kỹ sư. Đó là cơ sở để EU tin là Việt Nam làm được. Bây giờ với hai Hiệp định EVFTA và EVIPA (Hiệp định Bảo hộ Đầu tư), tôi tin là nghị viện từng nước cũng thông qua. Chúng ta có cơ hội lớn để kéo các công ty Đức, Ý, Tây Ban Nha cùng làm.

Ngoài ô tô thì máy bay cũng vậy. Chúng ta hoàn toàn có thể kéo một số ngành phụ trợ hay dịch vụ hàng không, như sửa chữa chẳng hạn về Việt Nam.

Vậy còn những ngành khác thì sao, thưa bà?

Các ngành khác như nông nghiệp cũng có nhiều cơ hội khi thuế về 0% cho hàng loạt mặt hàng. Họ cũng có những giám sát ngặt nghèo như với thủy sản. Thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam mấy năm nay là một cách họ dạy cho mình cách tôn trọng môi trường. Khi mình làm ăn đàng hoàng và đã gỡ được thẻ, làm đúng chuẩn thì không sợ ai.

Tôi mong các doanh nghiệp và cả Chính phủ đừng chỉ nhìn vào thuế giảm không thôi mà hãy cố gắng khai thác những cơ hội mới!

Phát triển những sản phẩm xuất khẩu mới

img
Châu Âu là cái nôi của công nghiệp ô tô nên tham gia EVFTA là cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp này (Trong ảnh: Sản xuất ô tô tại Nhà máy ô tô VinFast). Ảnh: Tiến Mạnh

Vậy cơ hội mới ở đây là cơ hội đối với những ngành nghề, sản phẩm nào khác nữa?

Với EVFTA, dải phổ cho các mặt hàng được ưu đãi khá rộng. Tất nhiên có sản phẩm họ giảm thuế ngay và có sản phẩm có lộ trình nhưng mình không nên chỉ nhìn vào thuế thấp mà có thể nhìn tới những nhóm hàng thuế cao hơn một chút, như 5 - 7% chẳng hạn và có lộ trình dài 5 năm để đến khi đạt được chất lượng cao, chuẩn mực thì sản phẩm cạnh tranh được với những mặt hàng họ đang bảo hộ. Lúc đó mới thấy Việt Nam vượt lên mức cao hơn. Còn nếu chỉ chấp nhận những mặt hàng tương đối dễ mà họ áp thuế 0% ngay lập tức thì vẫn là thói quen thích làm những cái dễ dãi chứ không cố gắng.

Tôi vẫn mơ ước 5 năm nữa những nhóm hàng khó mà chúng ta vào được thị trường EU, phát triển được thành những sản phẩm xuất khẩu mới của Việt Nam. Đó mới là cái giá trị hơn nhiều.

Rõ ràng, để thành công thì các doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để có những chiến lược phù hợp?

Tôi nghĩ cũng may, thời điểm bây giờ so với khi vào WTO, chúng ta đã có lực lượng doanh nghiệp trưởng thành hơn nhiều. Ví dụ ngành may mặc hay giày da, đến bây giờ nếu chỉ làm như cũ cũng có lợi nhuận nhưng không ăn thua mà phải vươn lên làm cái khó hơn. Còn nếu cứ nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc thì không còn được hưởng thuế ưu đãi nữa.

Hãy từ bỏ dần chuyện may hay khâu giày, là khâu cuối cùng mà làm khâu sản phẩm trung gian. Doanh nghiệp cũng đã có đủ năng lực và tầm nhìn để sẵn sàng. Họ sẽ vẫn giúp Việt Nam xuất khẩu nhưng với thành phần nội địa cao hơn hẳn trước đây. Ngành giày kết hợp với Ý thì tuyệt vời, sẽ khác hẳn việc sản xuất từ nguyên liệu Trung Quốc. Vị thế của ta sẽ khác hẳn, uy tín và cách nhìn của thế giới cũng sẽ khác hẳn.

Bà nghĩ sao khi có một số gợi ý doanh nghiệp trong nước nên kết nối với các doanh nghiệp Việt tại châu Âu để nhanh chóng thâm nhập thị trường?

Ở VN có Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) nhưng từng nước cũng có Hiệp hội doanh nghiệp. Đó là những nơi đầu tiên doanh nghiệp Việt nên kết nối, trao đổi. Các nước EU cũng có các tổ chức hỗ trợ các DNNVV và cũng sẵn sàng chìa tay hỗ trợ các doanh nghiệp Việt. VCCI đã ký hàng trăm văn bản hợp tác với các phòng thương mại các nước. Bây giờ là lúc những văn bản đó đi vào thực hiện, chí ít là trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội giúp nhau sàng lọc nhà đầu tư.

Còn kênh nữa là người Việt ở bên ngoài. Cộng đồng người Việt ở EU hoạt động tốt, mạnh mẽ, có tên tuổi, uy tín và quan tâm nhiều tới kinh tế, thương mại làm ăn với trong nước. Lúc này là lúc nên phát huy vai trò của họ.

Đừng để cơ hội rơi vào tay DN nước ngoài

Lĩnh vực giao thông có thể nghĩ tới khát vọng phát triển công nghệ phụ trợ ô tô, một phần máy bay; Kể cả nguyên vật liệu vật tư cho ngành giao thông cũng còn nhiều điều kiện để làm. Hai là phát triển công trình hạ tầng giao thông với sự tham gia của nhà đầu tư EU.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan


Theo bà, những hỗ trợ của Chính phủ quan trọng như thế nào đối với các doanh nghiệp?

Có thể nói chính phủ đã làm được một việc rất quan trọng, rất đáng chúc mừng. Nhưng từ nay trở đi còn nhiều việc lắm. Đối với Chính phủ và Quốc hội, việc quan trọng nhất là sửa lại các luật và các chính sách không phù hợp với cam kết cùng EU. Cái gì cần sửa ngay thì sửa lập tức, cái gì xác nhận lộ trình vài năm thì cố gắng phải hoàn tất.

Trong những cái cần làm ngay, tôi cho rằng quan trọng hàng đầu vẫn là môi trường kinh doanh. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho chính doanh nghiệp của ta khai thác thị trường. Nếu không cơ hội đến lại để tuột tay thì phí lắm, hoặc cơ hội đó lại rơi vào nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đây, bao nhiêu ưu đãi, thuận lợi đều dành cho doanh nghiệp FDI. Trong khi các doanh nghiệp Việt hiện nay vẫn phải đối mặt với không ít phiền hà, nhũng nhiễu. Vì thế, cần phải thay đổi, để họ bật được lên.

Bà kỳ vọng gì vào các tập đoàn tư nhân của Việt Nam trước cơ hội mới này ?

Tôi mong những doanh nghiệp sẽ tận dụng tốt cơ hội này không chỉ nằm trong nhóm đại gia, tập đoàn tư nhân lớn, mà còn cả lớp doanh nghiệp quy mô vừa hay tương đối lớn, con số phải đến vài trăm.

Cảm ơn bà!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.