Chuyện dọc đường

Đừng để "hạt giống đỏ" thành "hạt lép"

Con ông cháu cha” nếu chưa đạt độ chín thì phải đưa họ rèn luyện trong những môi trường khắc nghiệt, đưa họ xuống cơ sở thử thách...

img
Ông Nguyễn Nhân Chinh nhận quyết định điều động, chỉ định làm Bí thư Thành ủy TP Bắc Ninh. Ảnh: TTCP

Câu chuyện ông Nguyễn Nhân Chinh, người vừa được điều động, chỉ định làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh tưởng như đã chìm xuống, thì hai ngày nay lại trở nên “nóng” rực.

Dư luận có lẽ đã chẳng ồn ào nếu như ông Chinh không có bố là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, hay nói cách khác ông Chinh là “con ông cháu cha”. Và nhất là sau khi có dư luận, ông Chinh đã xin rút khỏi quy hoạch để bầu Ban thường vụ Tỉnh ủy trong vài tháng tới. Thậm chí đã có những vị lão thành lên tiếng... khuyên ông Chinh “nên xin thôi chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh”.

Tuy nhiên, dư luận vẫn là dư luận, chúng ta thật khó phán xét việc này đúng hay sai, nên hay không nên, bởi tất cả đã có cơ quan thẩm quyền phân xử. Nếu việc bố trí nhân sự vừa qua ở Thành ủy Bắc Ninh có vấn đề, chắc chắn Ban tổ chức T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư sẽ vào cuộc và kết luận, nhất là khi đã có dư luận không tốt.

Nói về “con ông cháu cha”, trong nhiệm kỳ qua, đã có một số trường hợp vi phạm kỷ luật của Đảng và phải rời cương vị công tác. Tuy nhiên cũng có những trường hợp thể hiện được là người có phẩm chất, năng lực, nhận được tín nhiệm của đa số. Vì thế, chúng ta cũng không nên cực đoan, phủ định sạch trơn với tất cả.

Bởi ngay cả người sinh ra trong một gia đình bình thường nhưng có phẩm chất, năng lực tốt, đi tiên phong trong mọi công việc, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì người đó cũng xứng đáng được giao trọng trách. Hà cớ gì là “con ông cháu cha” phát huy được truyền thống tốt đẹp của gia đình, có đầy đủ năng lực, phẩm chất lại không được lựa chọn?

Có lẽ, điều dư luận băn khoăn là những trường hợp “con ông cháu cha” được quan tâm, ưu ái một cách thái quá, để rồi xem nhẹ phẩm chất, năng lực thực sự của họ. Tâm lý “con ông cháu cha” dường như vẫn còn đè nặng ở đâu đó, những “hạt giống đỏ” dù chưa đạt độ chín, song vẫn được bầu, được cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm, thậm chí một số trường hợp còn làm xấu hình ảnh ông, cha mình. Họ dựa vào cái bóng của ông cha, rồi tự cao tự đại, tự cho mình đặc quyền, đặc ân, không phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện gì. Rồi dần dần, họ đánh mất mình lúc nào chẳng hay, thành những “hạt giống lép”.

Hạt giống muốn ươm mầm, nảy chồi tươi tốt thì phải chịu được môi trường khắc nghiệt. “Con ông cháu cha” cũng vậy, nếu chưa đạt độ chín thì phải đưa họ rèn luyện trong những môi trường khắc nghiệt, đưa họ xuống cơ sở, thử thách trong một thời gian dài. Nếu thấy họ trưởng thành, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì đó chính là đối tượng cần cho Đảng, cần cho dân. Còn ngược lại thì cần loại bỏ.

Đặc biệt, trong đánh giá cán bộ, không gì bằng tai mắt của nhân dân, của cơ sở nơi họ công tác, nơi cư trú và qua kênh truyền thông, báo chí. Nếu có một sự can thiệp khiên cưỡng, vụ lợi cho mình, hoặc nhóm mình sẽ là một mầm họa, bởi sai lầm trong lựa chọn nhân sự vô cùng tai hại và không thể sửa chữa được. Nhiều trường hợp điển hình trong nhiệm kỳ qua chính là những bài học đau xót nhưng quý giá.

Tôi đã từng kiến nghị, bản thân người trực tiếp giới thiệu nhân sự cũng phải chịu trách nhiệm đối với người mình giới thiệu. Khi họ vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, người giới thiệu phải có trách nhiệm. Đây là lỗ hổng mà tôi mong nhiệm kỳ này sẽ giải quyết được.

Lê Như Tiến (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.