Chuyện dọc đường

Đừng để người tố cáo đơn độc

Ông Bình là người rất dũng cảm. Nếu không dũng cảm, chắc chắn ông đã không dám mang cả công việc, chức vụ, danh dự của mình ra để đánh cược...

img

Ông Lương Xuân Bình cho biết, hiện tại ông vẫn chưa được giao việc gì và chịu sự “ghẻ lạnh” của mọi người ở cơ quan

Câu chuyện ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - MRB (người đã có hành trình 6 năm tố cáo những sai phạm tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội) được bố trí công việc mới, hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cụ thể, ông Bình được phân công viên chức văn phòng, Tổ trưởng Tổ Giúp việc Ban chỉ đạo xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO của MRB. Không khó hiểu khi ngay sau đó ông Lương Xuân Bình đã có đơn từ chối thực hiện các quyết định phân công công tác.

Theo ông Bình, quyết định trên là trái pháp luật và có dấu hiệu không thực hiện đúng chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, ông Bình kiến nghị MRB thực hiện việc bảo vệ người tố cáo theo quy định của pháp luật theo đề nghị của Thanh tra Chính phủ; khôi phục vị trí công tác (Phó trưởng ban MRB) và các khoản thu nhập chính đáng của ông…

Trước đó, ngày 9/3, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội để đốc thúc giải quyết vụ việc liên quan đến ông Lương Xuân Bình, khi việc giải quyết có dấu hiệu chậm trễ.

Như vậy, sau hơn 3 tháng Thanh tra Chính phủ công khai kết luận thanh tra, khẳng định những nội dung tố cáo của ông Lương Xuân Bình là có cơ sở, ông Bình vẫn chưa được bố trí lại vị trí công tác, chưa được phục hồi chức vụ. Và như ông chia sẻ với báo chí thì nỗi khổ tâm lớn nhất với mình lúc này là sự dửng dưng, “ghẻ lạnh” khi ông xuất hiện ở cơ quan. Có nghĩa là ông đang rất cô độc!

Tôi cho rằng, đây là một sự việc hết sức bất thường.

Trước hết, phải khẳng định rằng ông Bình là người rất dũng cảm. Nếu không dũng cảm, chắc chắn ông đã không dám mang cả công việc, chức vụ, danh dự của mình ra để đánh cược. Và chắc hẳn, khi đứng lên tố cáo, ông Bình đã xác định được mọi chuyện có thể xảy đến với mình. Đây có lẽ là điều mà không phải ai cũng dám làm, dù nhiều người biết rõ sai phạm xảy ra ở đâu đó, với một dự án, công trình nào đó.

Thứ hai, là câu chuyện bảo vệ người tố cáo. Chúng ta có đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo, tuy nhiên không phải lúc nào và ở đâu cũng được thực thi một cách nghiêm túc.

Không chỉ với trường hợp ông Bình, mà với cả những trường hợp khác, nếu việc bảo vệ người tố cáo không được thực hiện nghiêm, thì liệu còn ai dám đứng lên để tố cáo sai phạm nữa? Cuộc chiến chống tham nhũng tiêu cực rồi sẽ thế nào nếu như người tố cáo vẫn đơn độc?

Rõ ràng, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rất rõ, rất cụ thể các nội dung liên quan đến ông Lương Xuân Bình, những việc các đơn vị liên quan phải làm. Nhưng vì lý do gì mà đã hơn ba tháng qua, việc thực hiện kết luận thanh tra vẫn không được giải quyết dứt điểm? Điều này thật khó hiểu!

Với trường hợp như của ông Bình, lẽ ra cơ quan chức năng của Hà Nội phải khen thưởng kịp thời, khôi phục vị trí công tác và các quyền lợi một cách nhanh chóng. Việc này chỉ có lợi cho Nhà nước, bởi nếu làm được như vậy, sẽ có nhiều hơn những người như ông Bình, dám đứng lên nói sự thật, ngăn chặn sai phạm khiến Nhà nước có thể bị thiệt hại.

Còn khi nào người tố cáo vẫn đơn độc, rất khó để ai đó đứng lên vạch trần sự thật, ngăn ngừa sai phạm. Bởi họ biết rằng, rồi cuối cùng mọi chuyện cũng chẳng đi đến đâu…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.