Nhà báo Hồ Quang Lợi |
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo chia sẻ quan điểm trên, khi trao đổi với Báo Giao thông xung quanh vấn đề đạo đức nghề báo.
Đạo đức báo chí là vấn đề cốt lõi
Thưa ông, việc mới đây Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 quy tắc đạo đức nghề nghiệp báo chí có ý nghĩa như thế nào?
Có 3 lý do cần ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Thứ nhất, đời sống quốc tế, đời sống xã hội và đời sống báo chí đã có những biến đổi sâu sắc. Thứ hai, chúng ta đã có Hiến pháp 2013, Luật Báo chí năm 2016 với những quy định mới đòi hỏi phải có điều chỉnh về quy định đạo đức nghề nghiệp cho tương thích. Thứ ba, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc cho thấy đạo đức nghề báo đang trở thành vấn đề nóng mà dư luận xã hội hết sức quan tâm, trong đó một bộ phận người làm báo có biểu hiện tha hóa về đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đối với xã hội và đối với uy tín của giới báo chí.
Vì thế, việc ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp là để khẳng định một cách mạnh mẽ rằng đạo đức nghề nghiệp là điều cốt lõi, là vấn đề sống còn của báo chí.
Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là mảng đề tài rất có ý nghĩa đối với xã hội. Nhưng đây cũng là mảng có nhiều thách thức, cám dỗ. Ông có cho rằng, khi viết về tham nhũng tiêu cực, nếu không vững vàng và kiên định thì nhà báo rất dễ bị mua chuộc, bị lôi kéo vào vòng xoáy của đồng tiền?
Tôi cho rằng, sự sa ngã và cám dỗ có thể xảy ra ở bất cứ lĩnh vực nào chứ không chỉ riêng lĩnh vực chống tham nhũng. Bất cứ ở đâu mà nhà báo không nêu cao đạo đức nghề nghiệp vẫn có thể bị cám dỗ và sai phạm.
Cái khác là ở chỗ lĩnh vực chống tham nhũng ẩn chứa nhiều nguy cơ, nhiều thách thức nên càng đòi hỏi nhà báo tinh thần cống hiến, bản lĩnh vững vàng, dám dấn thân và sự tinh thông nghề nghiệp.
Đây là cuộc chiến đấu thực sự. Trong cuộc chiến đấu cam go ấy, cũng có nhà báo bị mua chuộc, có người sa ngã, vướng vòng lao lý.
Nhiều tờ báo hiện nay đang ký hợp đồng truyền thông với nhiều doanh nghiệp, từ đó đặt ra câu chuyện, nếu doanh nghiệp có sai phạm thì báo chí nên ứng xử thế nào? Làm sao để vừa giữ được sự độc lập của báo chí, vừa không làm ảnh hưởng bất lợi cho đối tác?
Tờ báo nào cũng có tôn chỉ mục đích, mà tôn chỉ mục đích cao nhất chính là lợi ích của đất nước, cộng đồng xã hội và người dân. Để làm được điều đó thì nhà báo, các cơ quan báo chí phải khách quan, công bằng, tôn trọng sự thật. Nếu cơ quan báo chí có ký hợp đồng tuyên truyền và hợp tác với doanh nghiệp thì cũng không thể bỏ qua nguyên tắc cơ bản nhất đó của báo chí, không để cho “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “há miệng mắc quai”. Đó là điều tối kỵ đối với những người cầm bút.
Sự hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là nhu cầu tự nhiên. Khi ký hợp đồng truyền thông với doanh nghiệp, cơ quan báo chí phải nêu cao tinh thần khách quan, công tâm mới tránh khỏi bị tác động theo hướng tiêu cực. Không thể có chuyện báo chí che giấu sự thật, xuyên tạc sự thật, bao che cho những hành động sai trái.
Không thể để cho những điều khoản ký kết trong các hợp đồng truyền thông với doanh nghiệp khiến nhà báo mất tự chủ, độc lập trong khi phản ánh thực tế, từ đó làm suy giảm tính chiến đấu, tính khách quan của báo chí.
Dẹp bớt cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích
Cũng có thực tế nhiều khi báo chí đưa tin, rồi do tác động từ doanh nghiệp nào đó lại gỡ những thông tin đã đăng?
Thực tế, có những thông tin đăng tải lên mà không có lợi cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp tìm cách tác động để những thông tin đó bị gỡ bỏ. Đây là điều thường xảy ra đối với báo điện tử.
Nguyên nhân chủ yếu nhất do tiếng gọi của lợi ích: Doanh nghiệp muốn tránh điều tiếng bất lợi cho mình, còn nhà báo kiếm lợi từ việc đăng và gỡ thông tin. Cũng có hiện tượng nhà báo thực hiện các “thao tác nghề nghiệp” không vì mục đích làm rõ sự thật, mà vì những động cơ vụ lợi, ví như việc cố tìm ra lỗi của doanh nghiệp để viết bài, gặp gỡ “làm giá” rồi gỡ bài. Thế mới có chuyện “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”.
Trong các hành vi vi phạm đó, cũng có người có thẻ nhà báo, nhưng đa số người vi phạm lại chưa được cấp thẻ nhà báo và chưa phải hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Nhưng hậu quả của nó thì rất tai hại, làm cho lòng tự trọng và danh dự của nhà báo chân chính bị tổn thương, uy tín của báo chí trong xã hội vì thế bị suy giảm.
Việc vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị, vừa phải lo kinh tế là không đơn giản, vậy các cơ quan báo chí cần làm thế nào để có thể tồn tại, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, thưa ông?
Đây là câu chuyện nóng bỏng hiện nay. Với sự lên ngôi của mạng xã hội và sự phát triển như vũ bão của thông tin trên mạng internet, các cơ quan báo in và cơ quan báo chí truyền thống đang đứng trước thách thức hết sức nặng nề và gay gắt, nhiều cơ quan báo chí đứng trước tình thế: Tồn tại hay không tồn tại?
Báo in không bán được, quảng cáo thưa thớt dần, nguồn thu không đủ chi phí để duy trì hoạt động của toà soạn, lo đời sống cho anh em. Vì vậy, vấn đề cơm, áo, gạo, tiền không chỉ là gánh nặng đối với từng người làm báo mà đối với cả cơ quan báo chí.
Để giải quyết, trước hết cần rà soát lại hệ thống báo chí hiện nay, làm tốt công tác quy hoạch để những tờ báo nào thực sự cần thiết, thực sự có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, có đóng góp cho đất nước thì tạo điều kiện cho tiếp tục tồn tại và phát triển. Đồng thời, những tờ báo không theo đúng tôn chỉ mục đích, có nhiều sai phạm, không góp phần xây dựng xã hội thông tin lành mạnh, không có chiến lược phát triển căn cơ, bền vững, làm báo kiểu “chụp giật” thì không nên để tiếp tục tồn tại.
Không chỉ bằng quyết định mang tính hành chính, mà cũng có thể bằng việc định ra cơ chế tự chủ mà chỉ những cơ quan báo chí có thực lực mới tồn tại được. Đồng thời, các cơ quan báo chí phải tự đổi mới theo hướng đa phương tiện, tích hợp thông tin, tòa soạn hội tụ, không ngừng cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, để báo chí thực sự có sức hút đối với xã hội.
Nghề báo không phải để kinh doanh hay kiếm lợi
Trước những cám dỗ hiện nay, nhà báo phải làm thế nào để có thể vừa hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh của người truyền tải những thông tin chân thực nhất, vừa không bị sa ngã trước cám dỗ?
Những người tham gia vào đời sống báo chí, truyền thông với tư cách nhà báo phải luôn nhận thức sâu sắc rằng nghề báo là nghề được xã hội quý trọng, bảo vệ công lý và lẽ phải, góp phần khẳng định những giá trị tinh thần cao quý. Khi nhận thức như thế thì thấy rằng, nghề báo không phải để kinh doanh, hay mưu lợi. Khó có thể giàu bằng nghề báo.
Nhưng không ai có thể sống phi thực tế. Vừa làm nhiệm vụ, nhà báo vẫn phải lo chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Cho nên làm sao để có những người làm nghề tốt mà vẫn được sống tốt, đó là câu chuyện mà từng nhà báo phải đối mặt, từng cơ quan báo chí phải giải quyết và xã hội phải quan tâm.
Cảm ơn ông!
Luật Báo chí quy định Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm Ban hành Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Vừa qua, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp đã được thành lập từ cấp T.Ư tới 63 tỉnh, thành phố và hơn 200 liên chi hội, chi hội trực thuộc Hội Nhà báo. Hội đồng có một quy chế hoạt động được ban hành công khai, quy định rõ cấp địa phương có trách nhiệm phát hiện sai phạm và đề nghị lên cấp T.Ư và cấp T.Ư có quyền quyết định khai trừ ra khỏi Hội Nhà báo Việt Nam hay đề nghị tước thẻ nhà báo. Mục đích thành lập Hội đồng này không phải chỉ để xử phạt, mà cao nhất là khích lệ tinh thần làm việc đúng luật pháp, đúng đạo đức nghề nghiệp, khích lệ tinh thần cống hiến của hội viên; đồng thời răn đe, cảnh tỉnh, cuối cùng mới là xử phạt. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận