Chuyện dọc đường

Đừng để trả giá bởi sự chủ quan, lơ là

03/08/2020, 06:09

Bất cứ sự chủ quan, lơ là nào, dù chỉ là của một vài cá nhân sẽ đều phải trả giá rất đắt bởi diễn biến dịch lần này rất phức tạp.

img
Công tác phòng chống dịch đang được thực hiện nghiêm tại các vùng có dịch (Ảnh minh họa)

Như vậy là Việt Nam đã có những bệnh nhân Covid-19 tử vong. Dẫu đây đều là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền nhưng nếu như không mắc Covid-19, chưa chắc họ đã tử vong nhanh đến vậy.

Kể từ khi dịch Covid-19 quay trở lại với trường hợp ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại Đà Nẵng hôm 24/7, cho đến những ngày gần đây, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 đã diễn ra ở nhiều nơi, không chỉ ở Đà Nẵng, Quảng Nam mà còn ở TP HCM, Hà Nội…

Liên tiếp các ca bệnh mới được thông báo, trong đó có những ngày kỷ lục khi có tới 82 ca mắc, hàng loạt những khu dân cư, địa điểm có nguy cơ được phong tỏa.

Từ khi bước vào giai đoạn 2 chống dịch, Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch và ngành y tế đã liên tục khuyến cáo tới toàn thể người dân về các biện pháp cần thực hiện để tránh nguy cơ dịch lây lan.

Tuy nhiên, ở đâu đó, không ít người vẫn rất chủ quan, lơ là, có tâm lý coi nhẹ, xem thường khi không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.

Mới đây nhất, ngày 31/7, tại tâm dịch Đà Nẵng, dù phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đã gửi thông báo tới từng hộ dân nhưng một nhóm 7 người vẫn ngang nhiên tụ tập ăn nhậu, bất chấp lệnh cách ly xã hội. Nhóm người này sau đó bị lập hồ sơ và xử phạt với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng.

Tại Quảng Ninh, khi mà UBND tỉnh này vừa ký văn bản chưa ráo mực yêu cầu các quán bar, karaoke, vũ trường… tạm thời đóng cửa để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh thì lực lượng công an liên tiếp kiểm tra, bắt quả tang và xử lý 3 quán karaoke mở cửa xuyên đêm đón khách, thậm chí còn cho khách sử dụng ma túy ngay tại phòng hát.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, không khó để bắt gặp cảnh người dân vô tư không đeo khẩu trang, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu... khi xuất hiện ngoài đường phố, nơi đông người.

Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, mỗi ngày Bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện hàng chục người vượt biên trái phép sang Trung Quốc và ngược lại.

Thậm chí, có những người chỉ vì vài trăm nghìn đồng mà sẵn sàng coi rẻ sức khỏe, tính mạng, bỏ qua lợi ích cộng đồng, sử dụng ô tô chở cả chục người vượt biên trái phép.

Trước đó, dư luận đã vô cùng ngạc nhiên khi không hiểu bằng cách nào, hàng chục người Trung Quốc không có hộ chiếu đã vào được tới tận Đà Nẵng, Quảng Nam, TP HCM… Chỉ đến khi lực lượng chức năng kiểm tra, họ mới bỏ chạy tán loạn.

Vậy là một số người bị giữ lại để đưa đi cách ly, nhưng cũng không ít người trốn thoát. Ai dám chắc trong số những người trốn thoát không nhiễm bệnh và họ đã, sẽ còn đi những đâu trên đất nước ta?

Người dân chủ quan, lơ là, thờ ơ với nguy cơ dịch bệnh đi một nhẽ, song phải thẳng thắn rằng, vẫn còn không ít nơi, cán bộ và chính quyền địa phương chưa quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “chống dịch như chống giặc”.

Điển hình là tại Thái Bình, dư luận 2 ngày qua ồn ào về việc đoàn lãnh đạo địa phương này tổ chức đoàn công tác kết hợp với tham quan nghỉ dưỡng tại một số tỉnh miền Trung.

Nếu dư luận không lên tiếng, có lẽ họ đã đi đến ngày 7/8, chứ không vội vàng hủy kế hoạch để trở về họp bàn các biện pháp chống dịch, xử lý công việc vào sáng 2/8.

Có thể thấy, diễn biến của dịch lần này phức tạp hơn rất nhiều so với lần trước, về cả tính chất và mức độ, nguy cơ. Bởi vậy, bất cứ sự chủ quan, lơ là nào, dù chỉ là của một vài cá nhân sẽ đều phải trả giá rất đắt. Nó có thể khiến cho mọi nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân đổ xuống sông xuống biển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.