Chuyện dọc đường

Đừng giảm tốc độ theo kiểu đánh đồng

22/10/2018, 10:10

Tại một số nước, do hạ tầng, phương tiện tốt, giao thông công cộng phát triển, tốc độ cho phép trong đô thị...

6

Đường Phạm Văn Đồng, TP HCM giờ thấp điểm thường vắng xe, nếu quy định tốc độ 50km/h tài xế rất dễ bị phạt vì vi phạm tốc độ, đồng thời không khai thác hiệu quả thiết kế của đường (Ảnh chụp lúc 16h ngày 18/10)

Ở Việt Nam, mật độ giao thông đông, lượng xe cá nhân lớn, cộng với phương tiện cũ kỹ, nhiều loại phương tiện khác nhau cùng tham gia hỗn hợp trên một làn đường cùng với giao thông công cộng chưa phát triển nên khó đạt được tốc độ đó. Việc xem xét giảm tốc độ là cần thiết.  

Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc giảm tốc độ đối với các loại xe có sức chở lớn chạy trong khu dân cư cần dựa trên cơ sở thực tế ở từng khu vực, xem xét từng tuyến đường. Có tuyến hoàn toàn có thể tăng lên, ngược lại một số tuyến cần phải điều chỉnh giảm xuống. Thời gian qua, nhiều tuyến đường của nước ta đã được đầu tư nâng cấp hoặc xây mới, đường rộng rãi, thông thoáng, tạo điều kiện cho phương tiện có thể tăng tốc độ mà vẫn bảo đảm ATGT.

Hạ tầng giao thông tốt mà lại giảm tốc độ là bài toán ngược, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Không nên cứng nhắc trong quy định mà nên tùy thuộc vào tuyến đường, đảm bảo an toàn nhưng cũng phải đảm bảo lưu thông nếu không gây trì trệ cho xã hội. Vì vậy, điều chỉnh giảm tốc độ, phải cân nhắc ở những khu vực, tuyến đường cụ thể, không nên thực hiện theo kiểu đánh đồng để không gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lưu thông hàng hóa.

Việc giảm tốc độ chỉ là giải pháp trước mắt để giảm TNGT, về lâu dài cần có giải pháp triệt để mang tính đồng bộ, làm sao cho người tham gia giao thông vẫn an toàn nhưng không phải giảm tốc độ mới là bài toán căn cơ. Điều quan trọng là phải cải thiện hạ tầng giao thông tốt, xây dựng những tuyến đường mới, phát triển hạ tầng giao thông, ngầm hóa phương tiện giao thông công cộng, đảm bảo mật độ tham gia giao thông hợp lý thay vì quá tải trầm trọng như hiện nay tại các thành phố lớn.

Khi chưa làm được điều này, trước mắt chúng ta cần phải tuyên truyền để người tham gia giao thông chấp hành luật, ý thức được trách nhiệm về sự an toàn của mình và cộng đồng. Ngoài tuyên truyền phải xử lý nghiêm vi phạm, không xử lý theo kiểu “thân quen”. Về hạ tầng, những tuyến đường đông dân cư phải hạn chế đấu nối, bằng việc làm đường gom hay dải phân cách có thể tăng tốc độ nếu có giải pháp ngăn ngừa TNGT. Cùng với đó, phải có hệ thống biển báo rõ ràng, có biển cảnh báo khu dân cư từ xa và thường xuyên nhắc lại cho lái xe.

Một điểm nữa là nên xây dựng tiêu chí giảm tốc độ, không phải cứ khu đông dân cư là giảm, nhiều tuyến đường có dải phân cách, rộng rãi, đảm bảo giao cắt mà giảm tốc độ thì không hợp lý.

Lê Văn Tiến
Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.