Tài chính

Dùng hoá đơn điện tử: Doanh nghiệp cần lưu ý gì trước "giờ G”?

07/10/2021, 17:09

Ngành thuế rốt ráo thực hiện hoá đơn điện tử đối với cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh. Các đối tượng này cần lưu ý gì trước "giờ G"?

Thời gian "ân hạn" tối đa 12 tháng

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), Luật Quản lý thuế số 38 đã được Quốc hội thông qua năm 2019, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020, trong đó có nội dung quy định về hóa đơn, chứng từ và cho thời gian chuẩn bị trong 2 năm, bắt buộc áp dụng từ 1/7/2022.

Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ và có hiệu lực từ 1/7/2022.

Tiếp đó, Bộ Tài chính cũng vừa ban hành Thông tư 78/TT-BTC quy định hóa đơn điện tử và quy định áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ ngày 1/7/2022.

img

90% doanh nghiệp tại Hà Nội đã dùng hoá đơn điện tử. Ảnh minh hoạ

Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin (có máy tính kết nối internet hoạt động tốt, có phần mềm kết nối với cơ quan thuế…) được khuyến khích áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 1/7/2022.

Trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử và truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế.

Tuy nhiên, thời gian dùng hoá đơn giấy này chỉ tối đa 12 tháng, sau đó chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.

Theo kế hoạch, đến tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, Tổng cục Thuế sẽ thí điểm tại 6 tỉnh, thành là: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bình Định.

Tiếp theo, từ tháng 4/2022 đến tháng 7/2022, Tổng cục Thuế mở rộng thực hiện đại trà cho 57 tỉnh, thành phố còn lại.

Tuy nhiên, hiện nay tại 6 tỉnh, thành này các doanh nghiệp hầu hết cũng đã sử dụng hóa đơn điện tử.

Theo số liệu Tổng cục Thuế, cả nước có 841.360 doanh nghiệp đang hoạt động, thì riêng 6 tỉnh, thành phố triển khai đợt đầu chiếm 56,8% tổng số doanh nghiệp của cả nước; Số hộ kinh doanh chiếm 60%, trong đó hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn chiếm 26%, số thuế chiếm 33%.

Riêng Hà Nội hiện có khoảng 90% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử.

Ngành thuế nâng cấp hạ tầng công nghệ

Tổng cục Thuế cho biết, triển khai áp dụng hóa đơn điện tử là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế từ nay tới hết năm 2021. Trong hai ngày vừa qua, Tổng cục Thuế cũng đã tổ chức hai buổi tập huấn về nội dung này đến các cục Thuế địa phương.

Về hạ tầng, Tổng cục Thuế đã xây dựng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin cho phép kết nối với các đơn vị cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử, cũng như cung cấp kết nối với đơn vị truyền nhận.

Cụ thể, theo ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế), trong giai đoạn đầu, Tổng cục Thuế triển khai phần mềm quản lý hoá đơn điện tử trên hạ tầng kỹ thuật hiện có; Đồng thời sẽ bổ sung, nâng cấp hạ tầng cho hệ thống hoá đơn điện tử vào tháng 4/2022.

“Đến nay, Tổng cục Thuế đã thực hiện rà soát, sắp xếp để tận dụng tối đa hạ tầng kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật, xây dựng các thông số và hoàn thành việc cài đặt hạ tầng kỹ thuật sẵn sàng cho việc triển khai, kiểm thử phần mềm quản lý hóa đơn trong thời gian tới cho 6 tỉnh, thành phố”, ông Toàn cho biết.

Trong quá trình triển khai, Tổng cục Thuế cũng sẽ huy động nguồn lực từ tổ triển khai hoá đơn điện tử của 6 cục thuế để tham gia trực tiếp vào các giai đoạn xây dựng và triển khai phần mềm quản lý hoá đơn điện tử, bao gồm phân tích yêu cầu nghiệp vụ, thiết kế, lập trình các chức năng ứng dụng của cổng lập hóa đơn trực tiếp của Tổng cục Thuế, cổng tiếp nhận dữ liệu hoá đơn điện tử và hệ thống xử lý dữ liệu hoá đơn điện tử.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.