Y tế

Dùng khẩu trang nào ngăn chặn tốt nhất virus nCoV gây viêm phổi lạ Vũ Hán?

27/01/2020, 16:33

Đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay là một trong nhiều biện pháp cần làm để phòng nhiễm nCoV, tuy nhiên, khẩu trang nào mang lại hiệu quả tốt?

img
Đeo khẩu trang là một trong nhiều giải pháp hạn chế lây lan virus cúm

Dịch virus nCoV gây viêm phổi lạ ở Vũ Hán, Trung Quốc bùng nổ cũng khiến thị trường khẩu trang cũng trở nên nóng hổi không kém. Mọi người đổ xô đi mua khẩu trang từ đơn giản như khẩu trang y tế đến đặc biệt hơn và mắc tiền hơn là khẩu trang N95 được cho là có thể lọc bụi có đường kính siêu nhỏ.

Theo BS. Huỳnh Trần, chuyên khoa nội tổng quát Bệnh viện St Joseph Mercy Health (Mỹ), hai loại khẩu trang thông dụng trên thị trường để phòng ngừa lây lan bệnh cúm là khẩu trang y tế (surgical mask) và khẩu trang N95.

BS. Huỳnh Trần phân tích, sau đại dịch cúm 1918 Spanish Flu, khẩu trang y tế được dùng rộng rãi như một cách ngăn ngừa cúm. Đây là loại khẩu trang không đeo khít mặt, mỏng, bán đại trà, thường có hai màu (xanh dương hay xanh lá cây) mỗi mặt. Đeo khẩu trang y tế nên đeo có mặt màu ra bên ngoài (do có tính chống nước), mặt trắng (có hút ẩm) bên trong và che hoàn toàn miệng và mũi. Khẩu trang này khi tháo ra chỉ nên dùng tay tháo dây, không đụng vào phần che mũi miệng, và ném khẩu trang thẳng vào thùng rác. .

Còn N95 là khẩu trang đeo khít mặt dành cho công chúng và cho nhân viên y tế làm việc và tiếp xúc trong môi trường có khả năng lây nhiễm cao. Chữ 95 trong N95 nghĩa là khi dùng đúng cách, mặt nạ có khả năng ngăn ngừa đến 95% các hạt có kích cỡ 0.3 micro (300 nm).

Do kích cỡ của Influenza A (120nm) và Corona virus (200nm) đều nhỏ hơn kích cỡ lọc của N95 nên hiệu quả lọc của N95 không cao. Một điểm khác là khẩu trang N95 không dùng cho trẻ em và người có nhiều râu. N95 dùng cẩn thận với người có các bệnh về suyễn, tim mạch, hay hô hấp mãn tính. Có hai loại khẩu trang N95, một loại dành cho mọi người và loại khác dành cho nhân viên y tế.

Theo kết quả nghiên cứu khoa học, N95 có thể tốt hơn trong việc ngăn ngừa khả năng xuyên qua so với khẩu trang y tế nhưng cả hai đều không thể bảo vệ hoàn toàn các hạt nhỏ nanoparticle (như kích cỡ virus). Điểm quan trọng nhất của việc đeo mặt nạ không phải là ngăn ngừa xuyên qua mà là giảm lây bởi bệnh hô hấp nhờ kiểm soát và kiềm chế cơn ho ngay từ đầu. Do đó, đeo khẩu trang y tế là cách tốt hơn, hiệu quả hơn, và dễ sử dụng hơn.

Cùng quan điểm này, TS. Vũ Hồng Nguyên, Viện nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (California, Mỹ) cũng cho rằng: "Các bạn nên nhớ virus có cấu trúc rất đơn giản và có kích thước rất nhỏ, trung bình khoảng 100 nanô mét. Với kích thước này chuyện virus lọt qua khẩu trang N95 là chuyện bình thường. Tuy nhiên, mục đích thực sự của khẩu trang trong việc ngăn ngừa việc truyền nhiễm bệnh là ngăn ngừa các hạt nước có chứa virus văng ra từ người bệnh qua việc hắt xì hoặc ho.

Theo một nghiên cứu năm 2013 thì các hạt dịch này có kích thước từ khoảng 75 đến 360 micro mét (1 micro mét = 1000 nano mét), do đó có thể dễ dàng bị giữ lại bởi các khẩu trang y tế thông thường với khả năng lọc hiệu quả các hạt có kích thước trên 5 micro mét trở lên.

Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2016 về hiệu quả của khẩu trang N95 so với khẩu trang y tế trong việc bảo vệ nhân viên y tế khỏi nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cho thấy không đủ dữ liệu để chứng minh N95 tốt hơn.

Tóm lại, các bạn không nên tốn tiền chạy mua khẩu trang N95 (nếu khả năng kinh tế và tình hình thực tế không cho phép), các bạn có thể sử dụng khẩu trang y tế đúng cách, che hết nửa mặt từ trên mũi và đến cằm, sử dụng 1 lần là cũng đã rất hiệu quả. Nếu các bạn mang thêm mắt kiếng (bất cứ loại nào) nữa thì càng tốt".

BS. Huỳnh Trần cũng nhấn mạnh: "Nếu chỉ dùng khẩu trang (cho dù loại N95 hay loại thường) thì vẫn có thể không hiệu quả mà cần phải kết hợp đeo khẩu trang với rửa tay và các biện pháp phòng ngừa khác để bảo vệ ngăn ngừa cúm".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.