Xã hội

Đừng làm khẩu hiệu, cổng chào kiểu “đói thì đảo mái đình mà ăn”

02/10/2020, 06:32

Thời gian qua, dư luận có những ý kiến trái chiều trước việc nhiều nơi làm khẩu hiệu, xây cổng chào tiền tỷ, trong khi hầu hết còn nghèo.

img
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

Có ý kiến cho rằng như vậy là lãng phí và thay vì xây cổng chào, làm khẩu hiệu, địa phương nên dành số tiền đó để xây dựng những con đường, cây cầu, trường học phục vụ nhân dân. Xung quanh vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đã bày tỏ quan điểm riêng của mình khi trao đổi với Báo Giao thông.

“Cổng chào là chuyện bình thường”

Ông nghĩ gì về “trào lưu” xây cổng chào, làm khẩu hiệu tốn tiền tỷ đang ồn ào dư luận?

Làm cổng chào là văn hóa từ xa xưa của người Việt. Trong thời phong kiến, ở các làng hay huyện, tỉnh, thủ đô, người ta đều xây cổng. Cổng làng của người Việt thời phong kiến là biểu trưng cho quê hương, thôn làng mình. Nó cũng trở thành kỷ niệm, ký ức thân quen cho những người từ làng ra đi hay ở xa làng.

Ngoài ra, các khu kháng chiến, doanh trại quân đội cũng dựng cổng để thể hiện sự nghiêm minh và cũng là cổng bảo vệ an ninh.

Trải qua một thời gian dài, các cổng làng cổ bị tàn phá nên người ta dần làm lại. Họ cứ làm từ từ và nơi nào giàu thì làm trước, nghèo làm sau. Tôi nghĩ người ta làm dần dần chứ không phải trở thành một trào lưu quá lớn.

Nhưng những chiếc cổng chào của thời đại hiện tại đã khác ngày xưa rất nhiều, không chỉ dừng lại ở cổng làng mà thậm chí là cổng chào của huyện, của tỉnh?

Một điều bất cập hiện nay tôi thấy là từ cổng làng tới cổng nhà, người ta làm không đẹp, không mang bản sắc và phí tổn quá lớn. Nhiều khi cũng thiếu sự hài hòa so với xung quanh.

Chúng tôi đi thực tế, gặp những gia đình xây cổng nhà to và lấn át cả ngôi nhà của họ. Khi chúng tôi hỏi, người ta trả lời rằng làm được gì làm trước. Sức của họ làm được cổng thì làm cổng trước, sau đó sẽ làm ngôi nhà tương ứng với cổng đó.

Ở ta, mọi người làm theo một cách tự nhiên, học theo nhau chứ không theo quy chuẩn kiến trúc nào. Nhiều khi từ nông thôn ra thành phố, thấy một chiếc cổng đẹp về sẽ làm theo.

Họ không cần kiến trúc sư nghiên cứu và đưa ra mẫu cho phù hợp, hài hòa. Do đó, có cổng xấu, có cổng đẹp, có cái hài hòa với làng và cũng có cái không.

Đó là đối với sự nhỏ lẻ của tư nhân, còn với các tổ chức lớn như một tỉnh, một huyện hay thành phố, họ thường làm những cái cổng quá đà, giống như Hòa Bình đang làm một khẩu hiệu hơn 10 tỷ đồng. Đó là tiền ngân sách. Tiêu tiền ngân sách có khi hợp lý, nhưng cũng có thể chứa đựng những tiêu cực về mặt kinh tế.

Theo ông, những tiêu cực nếu có thể có sẽ như thế nào?

Xưa các cụ có câu “đói thì đảo ngói mái đình mà ăn”, có nghĩa nếu thiếu tiền thì ngồi họp bàn nhau đảo ngói ngôi đình, kêu gọi quyên góp và từ đó, các ông có thể “chấm mút” được một phần.

Ngày xưa như vậy và ngày nay vẫn vậy. Đó là tình trạng của những công trình to lớn. Dù là kinh phí xã hội hóa hay ngân sách Nhà nước thì vẫn là tiền nhân dân.

Ông có cho rằng, những cổng chào hay khẩu hiệu tốn kém như thế là không cần thiết?

Ngôi nhà tôi đang ở cũng phải có cổng để phù hợp với nhà và để xác định chủ quyền. Ai cấm tôi làm cổng? Cổng chào là chuyện bình thường, sao phải xóa bỏ? Mình không vừa mắt nhưng người khác vừa mắt thì sao?

Vấn đề cần bàn là cổng có đẹp, hữu dụng hay không, tiết kiệm và minh bạch hay không. Bốn tiêu chí đó phải luôn kết hợp với nhau và phải có những nhà chuyên môn kiểm tra, thẩm định là cổng đó làm nên hay không.

Làm cổng chào, có “chấm mút” là cái xấu, phải chống. Nơi nào cũng như nơi nào, không đa dạng, phải chống. Khiến dân nghèo đi, phải chống. Còn nếu không, sao phải chống lại điều đó?

Không xóa truyền thống để theo nơi khác

img
Những ngày qua, công trình lắp khẩu hiệu 11 chữ trị giá hơn 10 tỷ đồng trên đồi Ông Tượng (Hòa Bình) đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Ảnh: Minh Chuyên

Nhưng ở những địa phương còn nghèo, thay vì bỏ hàng tỷ đồng để xây cổng chào thì có thể làm các dự án an sinh xã hội thiết thực có tốt hơn không, thưa ông?

Địa phương nào giàu hay nghèo hiện nay rất khó phân định. Biết nơi nào giàu, nơi nào nghèo thật sự? Tôi ở Hà Nội chật hẹp đông đúc, nước đục, không khí bẩn. Trong khi đó, cháu tôi ở quê ruộng đất mênh mông, không khí trong sạch. Thế thì biết nói ai hơn ai?

Có người nói cổng chào nặng tính tư duy hình thức nhưng tôi thì không nói thế. Hình thức đôi khi mang rất nhiều ý nghĩa bên trong. Một cổng chào có ngôi sao vàng đã mang tính biểu tượng. Đôi khi, chúng ta không đong đếm được điều đó. Họ đang rất tự hào mà mình chê bai là xâm phạm văn hóa tinh thần của họ.

Tôi vẫn nhấn mạnh, điều quan trọng là xây cổng đó có hợp lý không, có đẹp không và tiền có sử dụng hợp lý không.

Dù vậy, trong bối cảnh xu hướng toàn cầu là xóa nhòa ranh giới, tăng cường giao thương, liên kết, việc mỗi nơi một chiếc cổng chào sẽ tạo cảm giác “đóng cửa”, giống như cổ vũ văn hóa địa phương?

Đó chỉ là cảm giác. Hiện nay, một người ở quê vẫn có thể sử dụng các phương tiện công nghệ để kết nối và làm việc với bên ngoài. Họ thậm chí còn giỏi giang và thông minh hơn rất nhiều người ở nơi khác.

Ở một số quốc gia, người ta chỉ cần một biển thông báo địa danh ở vùng nọ vùng kia như một cách để xác định ranh giới, đó là sự lựa chọn của họ. Nếu bạn sang Campuchia, bạn sẽ thấy bất cứ nơi nào cũng có sự đầu tư kỹ lưỡng về vùng đất ấy, đó cũng là sự lựa chọn.

Lựa chọn này tôn trọng lựa chọn kia chứ không phải xóa nhòa truyền thống của mình để theo nơi khác. Nước Mỹ có 50 bang và có khi chỉ có tấm biển thông báo địa phận, nhưng điều kiện tự nhiên và địa lý của họ khác với chúng ta và hai nền văn hóa cũng khác nhau. Nếu chúng ta cũng giống họ thì không còn đặc sắc văn hóa nữa.

Có nghĩa theo ông, cổng chào cũng thể hiện bản sắc văn hóa địa phương?

Điều đó tùy cách làm, sự đầu tư văn hóa trí tuệ để thể hiện bản sắc của người làm tới đâu vào công trình đó. Theo vận động tự nhiên, phải có rất nhiều thứ mới thể hiện thông điệp văn hóa chứ không riêng một vật bất kỳ.

Hiện nay, ở ta học theo nhau nên các cổng chào na ná nhau. Điều đó thể hiện trình độ của những người làm ở mức nào. Tuy nhiên, nếu đòi hỏi bất cứ cổng chào nào cũng thể hiện bản sắc văn hóa là ta đang ảo tưởng.

Nếu làm tốt và đẹp đẽ khang trang, cổng chào cũng có thể mang tính quảng bá du lịch được và dĩ nhiên, ai cũng muốn làng mình, quê hương mình đẹp, thu hút trong mắt người khác. Du khách họ chỉ đến thăm 1 lần, họ thấy đẹp là có thu hút, thế là được.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.