Điện ảnh

Đừng làm phim kệch cỡm hóa người đồng tính

22/12/2015, 13:02

Sự hiện diện của những người đồng tính, song tính, chuyển giới trong điện ảnh ngày càng nhiều.

choi-voi
Cảnh trong phim “Chơi vơi” - phim đề cập vấn đề đồng tính nữ đầu tiên ở Việt Nam.

Đề tài “câu khách”

Những năm gần đây, phim ảnh khai thác về đề tài LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) ngày một nhiều, từ phim ngắn, phim truyền hình đến các tác phẩm điện ảnh từ: Hotboy nổi loạn, Cầu vồng không sắc, Chơi vơi, Cảm hứng hoàn hảo, Vũ điệu đường cong đến Để mai tính, Cưới ngay kẻo lỡ, Nàng men chàng bóng...

Nhiều đạo diễn thậm chí còn coi LGBT là đề tài “câu khách”, thu hút sự tò mò của công chúng. Số khác lại sử dụng hình ảnh của những người đồng tính, người chuyển giới làm nhân tố gây cười trên màn ảnh.

Lương Thế Huy, một thành viên của cộng đồng LGBT cho biết, các nhà làm phim khai thác đề tài người đồng tính trên phim nhưng vẫn chưa hiểu về thế giới của họ. “Việc khai thác hình ảnh người chuyển giới trong phim đang tình dục hóa, kệch cỡm hóa người chuyển giới...”, Lương Thế Huy nhận xét.

Nhà phê bình điện ảnh Trương Quế Chi nhìn nhận các bộ phim về đề tài đồng tính hiện nay đi theo hai xu hướng đó là dị tính hóa nhân vật đồng tính và dục tính hóa nhân vật đồng tính. Các phim khai thác ở yếu tố dị tính hóa nhân vật đồng tính để gây cười. Còn dục tính hóa là khai thác những cảnh ân ái của hai người đồng giới nhằm gây tò mò.

Nhà phê bình Trương Quế Chi cho rằng, cách đây 10 năm, đồng tính là chủ đề gây tò mò với mọi  người. Nhưng 5 năm trở lại đây, đề tài này đã được các đạo diễn nghiêm túc thực hiện và phần nào tạo ra những phản ứng trong cộng đồng. Gần như trong mỗi bộ phim  đều có ít nhất một nhân vật trong giới LGBT.

Điều đó cho thấy sự hiện diện của những người đồng tính không thể chối bỏ được công nhận trong xã hội cũng như trong khung cảnh nghệ thuật. “Khi người đồng tính thành chủ đề nghiêm túc cái quan trọng nhất là thể hiện nó như thế nào, ranh giới giữa tạo hình ảnh gợi mở, thoát ra khỏi khung về người đồng tính sẽ mang ý nghĩa hơn”, nhà phê bình điện ảnh Trương Quế Chi nói.

Hãy làm một cách tử tế

Đạo diễn Phan Đăng Di, tác giả kịch bản Chơi vơi, bộ phim về đồng tính nữ đầu tiên cho rằng, chuyện đề cập nhiều tới đề tài đồng tính cho thấy điện ảnh Việt đang tiếp cận gần gũi với thực tế cuộc sống.

Nhận xét về cách làm phim đồng tính ở Việt Nam, đạo diễn Phan Đăng Di cho biết: Trước đây chúng ta chỉ nhìn đồng tính ở khía cạnh hài hước, gây cười, ít có phim nghiêm túc. Tuy nhiên, gần đây, đã có những bộ phim nói về đề tài đó một cách văn minh. Một khi đã làm về đề tài đồng tính thì phải làm đến nơi đến chốn, cặn kẽ, chứ không phải để gây cười, bông đùa.

Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Thành, thành viên của Nhà sàn Collective và là một trong những người tổ chức liên hoan Queer Forever dành cho cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới cho biết, một nhà làm phim tử tế sẽ khai thác đề tài này ở khía cạnh chân - thiện - mỹ. Bên cạnh yếu tố giải trí, câu khách, cũng cần những giá trị nhân văn sâu sắc, đủ sức “chinh phục” khán giả, chứ đừng làm méo mó hình ảnh người đồng tính.

“Bộ phim về đề tài đồng tính mà theo kiểu khuôn mẫu dễ làm cho khán giả thờ ơ. Theo tôi, phim đồng tính hay phải lột tả đến tận cùng chiều sâu tâm lý nhân vật khiến khán giả phải đồng cảm, cười khóc với nhân vật…”, Quốc Thành bày tỏ.

Còn đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn lại trăn trở: “Tôi muốn chạm đến “phần người” khi khai thác những nhân vật bên cạnh những yếu tố hài hước cho thể loại phim đã định trước. Nếu sử dụng yếu tố đồng tính chỉ để gây cười thì thật thiếu sự tử tế”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.