Chuyện dọc đường

Đừng mơ Lotus như... Thánh Gióng!

20/09/2019, 06:55

Dù là mạng xã hội hay bất kỳ dịch vụ nào, chỉ có thực tâm hướng tới người dùng mới có thể phát triển và tồn tại.

img
Với 1.200 tỷ đầu tư được công bố, mạng xã hội Lotus đặt mốc sớm cán đích 4 triệu lượt dùng mỗi ngày

Buổi khai trương cầu kỳ của mạng xã hội nghìn tỷ Lotus đang đặt những người tạo ra nó vào một thế cực kỳ khó khăn. Ngay khi màn ra mắt tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô kết thúc vào 22h tối 16/9, ứng dụng Lotus đã chiếm ngay tốp 1 lượt tải về trên App Store Việt Nam, đương nhiên trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Và đi kèm với nó là hiệu ứng ngược...

Tràn ngập Facebook là lời ca thán của người dùng không thể tạo tài khoản trên Lotus, hoặc vào rồi không thể tìm được bạn bè. Khác với những gì được giới thiệu về một nền tảng chú trọng nội dung, trên bảng tin của Lotus là một nồi lẩu thập cẩm trộn lẫn ảnh hot girl, bán hàng online, đường dẫn các bài báo. Nhiều người lập tức cho biết xóa ứng dụng Lotus trong phút mốt.

Sự kỳ vọng quá lớn bởi chiến dịch truyền thông bài bản và những tuyên bố mạnh mẽ của Vccorp - ông chủ mạng Lotus đã khiến người dùng thất vọng đến mức quên rằng đây chỉ là bản thử nghiệm. Tất tật so sánh Lotus với Facebook, một mạng xã hội đã ra đời từ năm 2004 và cần tới 15 năm để có được diện mạo như ngày hôm nay.

Những người có thiện chí thì cho rằng, cần thời gian để Lotus hoàn thiện dần, những trục trặc ban đầu mà người dùng phản ánh không khó khắc phục. Quan trọng là ở chiến lược và sự khác biệt.

Theo thông báo của Vccorp, Lotus dựa trên 3 trụ cột chính là: Nội dung, Sản phẩm và Cộng đồng. Chiến lược của Lotus là tạo ra nội dung tốt hơn, chất lượng hơn và đa dạng hơn để thu hút người dùng và họ sẵn sàng hỗ trợ một phần chi phí cho người sản xuất nội dung, đồng thời cung cấp hàng chục định dạng để người chơi tự thiết kế sản phẩm cho chính mình.

Trong thông điệp đầu tiên được phát đi, Lotus cho biết, sẽ coi báo chí là đối tác, là nhà sản xuất nội dung, tương lai có thể cùng chia sẻ lợi nhuận.

Ở góc độ phân phối thông tin, đây có thể xem là khác biệt lớn nhất so với mạng xã hội Facebook, khi mạng này cho đăng tải miễn phí đường dẫn các bài báo trên trang của mình nhưng lại hạn chế lượt hiển thị tới người xem, trừ phi các tòa soạn trả tiền quảng cáo.

Tại buổi ra mắt, Giám đốc Vccorp Nguyễn Thế Tân cũng khẳng định, Lotus khuyến khích các nội dung chuyên sâu có giá trị tích cực nhưng “không được chào đón” (những loại thông tin ít có like) trên Facebook.

Được biết, với 1.200 tỷ đầu tư được công bố, với sự đồng hành dự kiến của Vingroup, Grab, Vietjet... Lotus đặt mục tiêu sớm cán đích 4 triệu lượt người dùng mỗi ngày.

Ở chiều ngược lại, rất nhiều chuyên gia truyền thông nghi ngờ sự thành công của mạng xã hội mới mẻ này. Bởi chức năng đơn giản nhất như tìm kiếm người quen, điều hướng bảng tin, thiết lập đội ngũ để hấp dẫn người dùng đều “chưa đâu vào đâu”. “Đi sau thì ít nhất cũng phải bằng những gì những mạng xã hội khác đang có còn không thì đừng nói tới việc vượt lên” là ý kiến của nhiều người bày tỏ thất vọng về Lotus ở thời điểm này.

Trong khi đó, nhiều chức năng đăng ảnh kèm bài, bắn chữ vào ảnh, thiết lập kênh và bảng tin, tập thông tin mà CEO Lotus giới thiệu không có gì mới mẻ, thực ra đã có trong Yahoo blog và Facebook, chỉ là ít người dùng mà thôi. Việc thiết lập hệ thống dữ liệu và thông tin về "người đọc" của Lotus thực ra cũng đã được Facebook chú trọng qua hệ thống “fan cứng” và công cụ quảng cáo xác lập đối tượng đích.

Điểm sáng duy nhất có lẽ là sáng kiến thu hút người dùng bằng điểm thưởng token (có thể đổi thành quà tặng hoặc tăng lượt hiển thị cho bài viết). Ngoài chiêu thức vốn rất hợp với đặc tính ham “của tặng, của cho” của người Việt, thực sự chưa thấy có gì đảm bảo cho sự thành công của Lotus trong ngắn hạn, đặc biệt là với sự chuẩn bị khá lúng túng cho màn ra mắt vừa qua.

“Cuộc chơi” mạng xã hội không dễ cho những tay mơ, khi những ông lớn như Yahoo blog, Google+ chấp nhận bỏ cuộc; khi Facebook, Youtube, Whatsapp, Twitter với kho chất xám khổng lồ và các hệ thống siêu máy chủ vẫn đang cập nhật tính năng mới mỗi ngày để phục vụ người dùng. Và ngay ở thị trường trong nước, đã có tới 465 mạng xã hội được đăng ký nhưng đến giờ người dùng vẫn chỉ xài Facebook, Zalo… Hơn 460 mạng xã hội khác, kể cả Gapo, Go.vn, Zingme, Tamtay, Yume, Hahaloo... dường như là những con số 0 trong mắt cư dân mạng.

Vậy, Lotus có cơ hội gì không? Câu trả lời đương nhiên là có, vì ở Mỹ hay châu Âu việc người dân sử dụng cùng lúc vài mạng xã hội là bình thường. Hay như ở Việt Nam, Zalo chả cần buổi ra mắt nào vẫn có 47 triệu người dùng với hàng triệu bức ảnh dung lượng cao được gửi đi mỗi ngày. Cái gì tiện và phù hợp thì người ta sẽ dùng thôi, không cần phải khoác lên mình những sứ mệnh quá lớn lao. Dù là mạng xã hội hay bất kỳ dịch vụ nào, chỉ có thực tâm hướng tới người dùng thì mới có thể phát triển và tồn tại. Gò ép để phát triển thần tốc như Thánh Gióng trong cổ tích là điều không tưởng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.