Quản lý

Dùng phần mềm sát hạch lái xe “di động” phục vụ dân

14/08/2018, 06:03

Sở GTVT Gia Lai đề xuất triển khai thiết bị chấm sát hạch GPLX “di động” để tạo điều kiện cho người dân...

1

Thiết bị chấm sát hạch lái xe "di động" giúp người dân vùng sâu, vùng xa không phải về các đô thị thi giấy phép lái xe (Trong ảnh: Thi sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 ở Gia Lai) - Ảnh: Vĩnh Yên

Nhiều khó khăn trong sát hạch lái xe

Gia Lai là một tỉnh miền núi, có tỉ lệ người đồng bào thiểu số chiếm trên 40%. Công tác đào tạo, cấp GPLX ở đây cũng rất khó khăn do đặc thù người dân miền núi, mỗi khi học và thi sát hạch có khi phải lặn lội hàng chục, thậm chí cả trăm cây số.

Theo Phòng Quản lý phương tiện - người lái, Sở GTVT tỉnh Gia Lai, hiện trên địa bàn chỉ có khoảng chục cơ sở đào tạo, cấp GPLX mô tô. Các trung tâm này lại chủ yếu nằm ở TP Pleiku. Hàng năm các cơ sở đào tạo lái xe mô tô hạng A1 đào tạo và cấp GPLX được khoảng gần 20.000 trường hợp.

Một khó khăn khác, theo Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT, “các địa bàn khác có khoảng cách đến trung tâm đô thị từ loại 3 trở lên dưới 100km phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động từ ngày 1/7/2018”. Liên quan đến quy định này, ông Tăng Xuân Kiên, Trưởng phòng Quản lý phương tiện - người lái, Sở GTVT Gia Lai cho biết, sẽ có 12 cơ sở ở các huyện, thị xã phải lắp các bộ thiết bị chấm điểm tự động này. Ước tính kinh phí cho mỗi bộ thiết bị khoảng 500 triệu đồng. Tổng số 12 bộ lên đến 6 tỷ đồng.

“Số tiền trên đối với tỉnh nghèo như Gia Lai là quá lớn. Thời gian qua, Sở GTVT đã tích cực kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xã hội hoá, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Trong khi đó, nhu cầu người dân cần học và sát hạch cấp GPLX mô tô hạng A1 ngày càng lớn. Đại bộ phận người dân vẫn gặp nhiều khó khăn khi di chuyển quãng đường xa để thi sát hạch”, ông Kiên nói.

2

Giám thị giám sát phần thi sát hạch lái xe mô tô hạng A1 ở Gia Lai - Ảnh: Vĩnh Yên

Đề xuất thiết bị sát hạch “di động”

Trước khó khăn trên, ông Tăng Xuân Kiên cho biết, mới đây, Sở GTVT đề xuất giải pháp áp dụng công nghệ để giảm chi phí lắp đặt bộ thiết bị sát hạch cố định thành “di động”. Sau đó, Sở GTVT Gia Lai đề xuất giải pháp này với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và được thống nhất về chủ trương để làm việc với Công ty CP Phần mềm - Tự động hoá - Điều khiển (CadPro) nghiên cứu.

Từ đặt hàng của Sở GTVT Gia Lai, CadPro đã nghiên cứu và sản xuất thành công thiết bị chấm điểm sát hạch lái xe mô tô hạng A1 di động. Bộ sản phẩm này có thể mang đi khắp nơi, gói gọn trong một vali nhỏ. Bên cạnh đó, các sân cố định chỉ cần cải tạo lại để lắp đặt đồng bộ với bộ thiết bị này là có thể thực hiện được các nội dung sát hạch theo quy định.

"Theo Thông tư số 23/2013 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, cơ quan thu phí được để lại 30% trên tổng số tiền phí thực thu (tổng thu sát hạch lý thuyết và thực hành 90.000 đồng/lần) để trang trải chi phí theo quy định. Mức thu khá thấp khiến rất ít nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh đầu tư vào lĩnh vực này”.

Ông Tăng Xuân Kiên
Trưởng phòng Quản lý phương tiện - người lái, Sở GTVT Gia Lai

“Trên địa bàn tỉnh Gia Lai chỉ cần đặt mua 2 bộ thiết bị và 10 sân cố định với giá khoảng 1,3 tỉ đồng là đáp ứng được yêu cầu về nội dung sát hạch A1. Để thực hiện sát hạch lái xe, các nhân viên sát hạch chỉ việc đưa các thiết bị này đến lắp đặt ở các sân thi, kết nối đồng bộ hoá với cơ sở dữ liệu rồi tiến hành tổ chức thi như các thiết bị cố định”, ông Kiên nói và cho biết, giá thành của các bộ này so với hệ thống lắp cố định giảm gấp nhiều lần.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT Gia Lai cho biết, áp dụng thiết bị chấm điểm sát hạch lái xe mô tô hạng A1, loại hình di động vào thực tế không những giảm chi phí đầu tư mà còn giảm các chi phí đi lại, ăn ở cho người dân. Người dân vùng sâu, vùng xa không phải “ăn chực nằm chờ” ở các đô thị lớn nữa. Việc này cũng góp phần cải cách thủ tục hành chính vì đưa công tác sát hạch lái xe A1 gần người dân hơn, phục vụ tốt hơn công tác đảm bảo ATGT. “Sở GTVT tỉnh Gia Lai mạnh dạn tiên phong trong cả nước để áp dụng công nghệ này vào sát hạch lái xe mô tô hạng A1. Nếu áp dụng thành công có thể nhân rộng ra địa bàn cả nước”, ông Sơn nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, Thông tư 12 quy định trước 1/7/2018 các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe mô tô hạng A1 phải lắp thiết bị sát hạch chấm điểm tự động. Đến nay, cơ bản các cơ sở đào tạo đã triển khai, chỉ có một số tỉnh xin lùi thời hạn như: Điện Biên, Bắc Kạn, An Giang. Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu phải thực hiện theo quy định của Thông tư. Tổng cục sẽ tiến hành kiểm tra, đơn vị nào chưa triển khai sẽ tạm dừng sát hạch.

Theo ông Thống, một số tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi, nhu cầu sát hạch cấp GPLX hạng A1 ở các huyện không nhiều, nếu lắp thiết bị ở tất cả cơ sở đào tạo sẽ khó thu hồi vốn. Hiện, đã có một số đơn vị lắp thiết bị sát hạch di động, sát hạch xong ở huyện này sẽ chuyển sang huyện khác. Các tỉnh có thể triển khai việc này theo đúng quy định của Bộ GTVT. “Có hai đơn vị đang đề nghị với Tổng cục được lắp thử nghiệm thiết bị sát hạch di động tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Tổng cục Đường bộ VN sẽ kiểm tra, trong trường hợp đạt yêu cầu sẽ cho nhân rộng ra cả nước”, ông Thống khẳng định.

Bà Quách Thị Quỳnh Trang, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Phần mềm tự động hóa điều khiển (Cadpro) - đơn vị lắp thử nghiệm thiết bị cho biết, thiết bị sát hạch di động công ty đang thử nghiệm tại tỉnh Hưng Yên bản chất chỉ là chuyển đổi công nghệ từ cố định sang di động. Độ chính xác của thiết bị sẽ đáp ứng đúng theo Quy chuẩn 40:2015 của Bộ GTVT về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, đảm bảo chính xác như hệ thống cố định công ty đã triển khai ở nhiều tỉnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.