Chuyện dọc đường

Đừng treo lên những tấm biển phản cảm

11/01/2019, 07:58

Nếu Hà Nội không thu lại quyết định cấm ghi âm, quay phim các buổi tiếp công dân, e rằng tới đây, thủ đô...

19

Minh họa: K.Linh

Càng gần Tết càng bức xúc vì những lời xin lỗi và những quyết định có thể tạo điều kiện cho cán bộ các cơ quan công quyền hành dân.

Sáng nay, VOV đưa tin Hà Nội ban hành quyết định cấm ghi âm, quay phim các buổi tiếp công dân với lý do sợ nhiều người lợi dụng việc này, cắt xén băng ghi hình và phát tán trên mạng với ý đồ xấu.

Lãnh đạo thành phố còn cho biết phòng tiếp dân sẽ có camera ghi lại, ai thắc mắc muốn xem lại băng ghi hình thì cơ quan công quyền sẽ “sao lại” cho.

Nghe tưởng có lý nhưng việc gì phải tốn công tốn sức như vậy. Thảo dân như tôi trộm nghĩ, công bộc của dân có cái tâm thì không cần phải “giữ miếng” với dân.

Bởi vì: Nếu làm việc tốt, vì dân thì “cây ngay không sợ chết đứng”. Đã có quy định nếu người nào cố tình phát tán thông tin sai sự thật, xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, quyền lợi của cá nhân, tổ chức… sẽ bị xử phạt hành chính, nặng hơn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự... Vậy tại sao không thực thi? Pháp luật đã có, làm nghiêm thì sợ gì những kẻ cố tình xuyên tạc, bóp méo.

Ai chứ tôi thì không tin những quy định kiểu này sẽ làm thay đổi được bản chất vấn đề, sẽ tăng được hiệu quả xử lý công việc cũng như uy tín của các cơ quan Nhà nước. Nếu đã hạn chế ghi âm, ghi hình công chức thực thi công vụ thì nên cấm luôn báo chí điều tra, mạng xã hội đăng ảnh chính khách sử dụng xe công đưa đón vợ hay tiếp khách nước ngoài cứ chăm chăm sử dụng điện thoại như mới đây.

Và thử hỏi, cơ quan độc lập nào sẽ kiểm soát việc không có chuyện cắt xén băng ghi âm ghi lại buổi tiếp dân khi công chức bị tố cáo? Ắt hẳn sẽ phải có một cơ chế được đẻ ra để đảm bảo sự minh bạch này. Còn người dân thấp cổ bé họng thì có nguy cơ rơi vào tình trạng “con kiến kiện củ khoai”.

Để minh chứng điều này, tôi xin kể một chuyện: Tôi cùng người chị họ lên một cơ quan Trung ương nộp đơn khiếu nại đòi lại ngôi nhà mà UBND thị trấn mượn cách đây hơn 60 năm nhưng không trả. Vị cán bộ tiếp dân rất lịch sự mời tôi ra ngoài với lý do “không cần có người thứ 2 tham dự”. Là dân phải tuân lệnh thôi. Thế nhưng khi ra khỏi phòng tiếp dân, bà chị tôi bảo “sau khi đọc đơn, anh ta nói đây là tôi tư vấn cho chị. Mà đã là tư vấn là phải có thù lao”.

Trong trường hợp này, để có được một công văn đúng sự thật, người dân phải trả tiền bồi dưỡng, đưa tiền rồi ai dám tố cáo? Còn nếu lộ ra thì người có lỗi là bà chị tôi đã “tự nguyện” bồi dưỡng. Muốn làm căng ư? Không khéo còn bị khép vào tội “hối lộ cán bộ.”

Tiếp dân là lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của dân để ra quyết định đúng. Tiếp dân là đối thoại với dân. Giờ cấm ghi âm, ghi hình vô hình trung biến đối thoại thành đối đầu, người dân ở vào thế yếu.

Thiết nghĩ, để lấy được lòng tin của người dân, để công chức không dám, không thể làm sai, hãy hành động như Bao Thanh Thiên. Công tâm, minh bạch.

Lại nữa, nếu Hà Nội không thu lại quyết định vừa nêu, e rằng tới đây, thủ đô sẽ nhan nhản các tấm biển ghi dòng chữ: “Cấm ghi âm, quay phim, chụp ảnh”. Đó chẳng phải là những tấm biển rất phản cảm trong một xã hội văn minh hay sao. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.