Thời sự

Đừng vì đãi ngộ mà cố "nặn"... nghệ nhân

03/07/2014, 07:21

"Không nên phong tặng tràn lan, không cần chạy theo phong trào. Tránh việc tỉnh nào cũng đua nhau có cho bằng được những nghệ nhân thuộc diện được hưởng chế độ chính sách".

Nghệ nhân Lâm Tới
Nghệ nhân Lâm Tới


Bắt đầu từ ngày 7/8, Nghị định của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể chính thức có hiệu lực. Theo đó, Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được thành lập theo 3 cấp: Hội đồng cấp tỉnh; Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ; Hội đồng cấp Nhà nước. Thành phần Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” gồm Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch Hội đồng và các ủy viên Hội đồng là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về thi đua khen thưởng cùng cấp; cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; một số nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và nhà khoa học có uy tín, am hiểu chuyên sâu về di sản văn hóa phi vật thể.


Trao đổi với PV Báo Giao thông, Nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết, việc đãi ngộ các nghệ nhân đáng nhẽ chúng ta phải làm lâu rồi. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai đến bây giờ mới thành hiện thực, có hơi chậm và muộn nhưng rất cần thiết. Bởi vì các nghệ nhân, những người lưu giữ vốn truyền thống của dân tộc đều đã lớn tuổi. Nếu không kịp, không nhanh thì chúng ta sẽ ngày càng mất đi những báu vật của nghệ thuật. Điển hình trong thời gian chờ Nghị định thành hiện thực, chúng ta mất đi rất nhiều nghệ nhân quý giá như: Hà Thị Cầu (hát xẩm), Bạch Huệ (tài tử), gần đây nhất là sự ra đi của hai nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc (ca trù), Minh Mẫn (ca Huế),...  “Ngày xưa tôi từng báo tin với cụ Hà Thị Cầu rằng, nghị định này sắp thành hiện thực nhưng đến tận sau khi cụ mất hơn một năm rồi mới triển khai thành hiện thực”, nhà phê bình nói.

Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú sẽ được nhận Huy hiệu, Giấy chứng nhận của Chủ tịch nước và tiền thưởng kèm theo danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” hoặc “Nghệ nhân ưu tú”. Đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng theo quy định của Chính phủ.

Theo nhà phê bình Nguyễn Quang Long, để ra đời nghị định và có khoản trợ cấp nho nhỏ cho các nghệ nhân cũng là một sự cố gắng đối với các cấp chính quyền. Tuy nhiên, cần có những hình thức quan tâm hơn đối với nghệ nhân chứ không chỉ dừng lại ở định hướng trong nghị định. “Các cụ lớn tuổi rồi, tôi nghĩ việc chăm sóc sức khỏe cho các cụ là điều hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, tạo môi trường để các cụ truyền dạy cho các thế hệ tiếp nối; đồng thời phải tạo ra môi trường hoạt động cho các nghệ nhân gắn liền với quyền lợi kinh tế, cho dù chỉ là một khoản nho nhỏ”, anh cho biết.

Mặt khác, theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, nghệ nhân không nhiều nên không phong tặng danh hiệu tràn lan, không cần chạy theo phong trào. Tránh việc tỉnh nào cũng đua nhau có cho bằng được những nghệ nhân thuộc diện được hưởng chế độ chính sách. “Trên thực tế trong việc phát triển văn hóa chúng ta hay bị yếu tố phong trào chi phối, tỉnh này thấy tỉnh kia có nhiều nghệ nhân được danh hiệu thì cố nặn ra. 


Mặt khác, nghệ nhân không nhất thiết phải nhiều tuổi, chúng ta cần tìm người thật sự có tài năng. Tôi từng nghe các nghệ nhân miền Trung du nói chuyện với nhau. Có cụ lớn tuổi được phong nghệ nhân, thực ra cụ lớn tuổi nhưng mới học loại hình nghệ thuật đó thôi, không lâu bằng những người bằng tuổi con, tuổi cháu của cụ. Điều đó là hết sức tránh”, anh nói.

Kim Hảo
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.