Quản lý

Dùng vốn địa phương làm quốc lộ được không?

21/09/2020, 06:30

Việc dùng vốn địa phương làm quốc lộ đang vướng ở đâu, cần phải có cơ chế gì để tháo gỡ?

img
Tuyến QL10 đoạn từ Quán Toan (Hải Phòng) đến Uông Bí (Quảng Ninh) có nhiều đoạn xuống cấp. Trong điều kiện vốn Trung ương chưa bố trí được, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất Thủ tướng cho phép hai địa phương được dùng nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư. Ảnh: T.L

Xét đề nghị của Bộ KH&ĐT về việc sử dụng ngân sách địa phương đầu tư đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, thành phố, Thủ tướng vừa giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi một số quy định pháp lý có liên quan đến quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước. Vậy việc này đang vướng ở đâu, cần phải có cơ chế gì để tháo gỡ, nhất là trong bối cảnh một số địa phương có đủ tiềm lực, có nhu cầu để phát triển?

Địa phương muốn được tạo điều kiện để chủ động

Một lãnh đạo Sở GTVT TP Hải Phòng cho biết, hiện nay một số tuyến quốc lộ đi qua địa bàn thành phố xuống cấp, người dân đi lại không thuận tiện và có nguy cơ mất ATGT. Thực tế, thành phố cũng rất muốn nâng cấp, cải tạo các tuyến đường này để đảm bảo lưu thông an toàn cho nhân dân.

Tuy nhiên, do vướng Luật Ngân sách mà cụ thể là quy định “Các tỉnh, thành phố chỉ được dùng vốn ngân sách đầu tư cho những tuyến đường địa phương quản lý, không được dùng để đầu tư các tuyến đường Trung ương quản lý”, đến nay không có cơ chế vận dụng nâng cấp, cải tạo.

Theo vị này, hiện nhiều địa phương có tiềm lực ngân sách, có nhu cầu phát triển, muốn ứng vốn để đầu tư nâng cấp quốc lộ nhưng lại không làm được do vướng quy định nêu trên. Nếu gỡ được “nút thắt” này, nhiều tuyến đường sẽ được nâng cấp, cải tạo, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Điển hình nhất là tuyến QL10 đoạn từ Quán Toan (Hải Phòng) đến Uông Bí (Quảng Ninh), đây là đoạn tuyến có lưu lượng phương tiện lưu thông khá lớn, nhiều đoạn xuống cấp. Trong điều kiện nguồn vốn Trung ương bố trí cho Bộ GTVT hạn chế nên chưa có điều kiện để nâng cấp cải tạo.

Trên cơ sở ý kiến của cử tri, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép hai địa phương được đầu tư dự án cải tạo nâng cấp QL10 đoạn Cầu vượt Quán Toan - Uông Bí giai đoạn 2020 - 2022 bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương (bằng Văn bản 4183 ngày 27/5/2020 và Thông báo số 181 ngày 14/5/2020). Hiện nay, hai địa phương cũng đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn được Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông.

Nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh có mạng lưới giao thông đường bộ dài trên 6.446km, có 2 tuyến cao tốc là Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn dài 79,3km, có 7 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 451,28km; hệ thống tỉnh lộ của Quảng Ninh có 22 tuyến dài 449,92km.

Ông Hải cho biết, minh chứng cụ thể cho việc hỗ trợ, tạo điều kiện của Trung ương là việc triển khai các dự án đường cao tốc trên địa bàn. Trong khi điều kiện nguồn vốn ngân sách tỉnh còn hạn chế, Quảng Ninh đã thực hiện hình thức đối tác công - tư (PPP) để thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư về hạ tầng giao thông.

Do đây là loại hình đầu tư chưa được hoàn thiện về mặt thể chế, quá trình triển khai tương đối phức tạp nên tỉnh đã kịp thời báo cáo Trung ương xin ý kiến cho phép triển khai đầu tư hoàn thiện tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (25km), cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (79,3km); hiện đang thực hiện dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (trên 80km).

Giai đoạn 2015 - 2020, tổng vốn đầu tư cho các công trình giao thông trọng điểm của Quảng Ninh đã lên tới 58.000 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa là 36.000 tỷ đồng. Địa phương cũng ứng tiền ngân sách để GPMB, thi công nhiều hạng mục các dự án cao tốc…

Trên địa bàn TP HCM, địa phương này có 5 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 101,38 km và được Bộ GTVT chấp thuận chuyển thành đường đô thị, giao cho UBND TP HCM quản lý từ năm 2004.

Một cán bộ của Sở GTVT TP HCM cho biết, việc này đã phát huy tích cực trong việc tổ chức giao thông. Trên cơ sở đó, thành phố cũng bố trí được kinh phí chủ động khắc phục những hư hỏng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường giám sát và đảm bảo ATGT, xử lý kịp thời các vi phạm về trật tự đô thị.

“Vì thế, nếu địa phương có nguồn lực thì Bộ GTVT nên giao lại cho địa phương quản lý, như vậy sẽ thuận lợi hơn. Nếu địa phương chưa có kinh phí đầu tư thì cũng nên giao cho địa phương công tác duy tu, bảo trì, tổ chức giám sát”, vị này nói.

Lo chồng chéo, mạnh ai nấy làm

Theo ĐBQH Đặng Hoàng Tuấn (Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó giám đốc Sở GTVT Long An), theo quy định, đường quốc lộ là do ngân sách Trung ương đầu tư. Trong khi đó, các địa phương có nguồn thu ngân sách hàng năm khác nhau, nếu giao cho các tỉnh đầu tư thì dễ xảy ra câu chuyện ai mạnh người ấy làm.

“Do đó, với những đoạn tuyến quốc lộ xuống cấp, những đường vành đai, kết nối liên vùng, liên quan đến các tỉnh, nếu chờ nguồn vốn Trung ương lâu thì địa phương có thể xin dùng vốn ngân sách địa phương sửa chữa, nâng cấp, đầu tư đoạn qua địa phương. Còn đầu tư mới quốc lộ thì thuộc nguồn vốn trung hạn do Bộ KH&ĐT đề xuất, Chính phủ phân bổ, Trung ương thực hiện. Nếu muốn sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư thì phải nghiên cứu cơ chế điều chỉnh quy hoạch đường quốc lộ thành tỉnh lộ”, ông Tuấn nói.

Riêng đối với công tác duy tu, bảo dưỡng quốc lộ qua địa phương, hiện phí bảo trì đường bộ do Trung ương thu và không phân bổ về các địa phương để duy tu, bảo dưỡng quốc lộ.

Vì thế, theo ông Tuấn, cần đề nghị Chính phủ phân cấp về địa phương, tính trên km đường quốc lộ đi qua để từ đó tính toán được số tiền phân bổ. “Việc duy tu, sửa chữa quốc lộ giao cho địa phương là hợp lý, bởi địa phương sẽ nắm rõ chỗ nào đường hỏng, hỏng thế nào để có phương án sửa chữa kịp thời”, ông Tuấn nói.

Cùng quan điểm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương cũng cho rằng, hiện tại tổng chiều dài quốc lộ khá lớn, trải qua nhiều tỉnh, nếu để Trung ương quản lý toàn bộ thì cũng có cái khó, đặc biệt là trong việc sửa chữa, nâng cấp. “Theo tôi, những tuyến quốc lộ huyết mạch thì vẫn nên để Trung ương quản lý, còn các tuyến có quy mô vừa tầm thì nên chuyển cho địa phương”, ông Phương nói.

Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên chuyên gia tư vấn cao cấp của JICA lại cho rằng, việc dùng vốn ngân sách địa phương để đầu tư quốc lộ qua địa bàn nghe có vẻ hợp lý, nhưng nếu thực hiện sẽ gây ra sự xáo trộn rất lớn.

“Mong muốn của các địa phương là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể quản lý Nhà nước khi thực hiện việc này sẽ dẫn tới tình trạng chồng chéo. Bởi, mỗi địa phương có quan điểm, nhu cầu đầu tư khác nhau. Địa phương nhiều tiền làm kiểu này, địa phương ít tiền lại làm kiểu khác, không theo tiêu chuẩn nào, dẫn tới phá vỡ quy hoạch hệ thống quốc lộ”, ông Đức nói.

TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN cũng cho rằng, theo quy định hiện hành, Bộ GTVT là cơ quan chịu trách nhiệm đầu tư các tuyến quốc lộ bằng vốn ngân sách Nhà nước. Ngân sách địa phương được Trung ương phân bổ đã có danh mục các dự án để phát triển kinh tế, y tế, văn hóa, giáo dục…

Các địa phương không dùng hết nguồn vốn đó thì phải trả về Nhà nước để phân bổ lại. Trường hợp, địa phương muốn đầu tư các tuyến quốc lộ qua địa bàn thì trước hết, nguồn vốn dư thừa của địa phương sẽ phải trả về Nhà nước để phân bổ cho Bộ GTVT. Sau đó, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương đó làm chủ đầu tư dự án thì mới thống nhất về quản lý.

Cần phải có Nghị quyết riêng của Quốc hội

img
Địa bàn TP HCM hiện có 5 tuyến quốc lộ đi qua (bao gồm: QL1, QL1K, QL13, 22, 50) với tổng chiều dài 101,38 km, được Bộ GTVT chấp thuận chuyển thành đường đô thị và giao cho UBND TP quản lý từ năm 2004. (Trong ảnh: QL1K đoạn qua địa bàn quận Thủ Đức)

Lý giải đề xuất về việc sử dụng ngân sách địa phương đầu tư đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, thành phố, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết: “Đây là kiến nghị của các địa phương, Bộ chỉ tổng hợp và trình báo cáo Chính phủ”.

Còn ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, tới nay chưa nhận được văn bản chính thức giao nhiệm vụ nói trên.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, đường quốc lộ thuộc về nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương. Trong khi đó, Luật Ngân sách 2015 đã quy định rõ nguyên tắc: “Không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác”.

Lý giải nguyên tắc trên, ông Tuấn Anh cho hay: “Thực tế từ trước tới nay, địa phương có nguồn thu tự cân đối rất ít, hầu hết hàng năm vẫn phải xin ngân sách Trung ương. Mấy năm gần đây kinh tế phát triển, mới có 16 tỉnh, thành tự cân đối thu chi. Do đó, nguyên tắc về nhiệm vụ chi đang trở thành điểm vướng của pháp lý, không lãnh đạo địa phương nào dám vi phạm nhiệm vụ chi ngân sách”.

Khẳng định việc vận dụng chính sách để làm đường quốc lộ bằng ngân sách địa phương sẽ rất khó trong bối cảnh hiện nay, ông Tuấn Anh phân tích: “Làm không khéo, vấn đề lạm quyền hay tư duy nhiệm kỳ sẽ được đặt ra. Cụ thể, khi kiểm toán vào cuộc sẽ đặt câu hỏi: Địa phương còn nhiều nhiệm vụ chi cấp thiết khác tại sao không làm?”.

Qua đây, vị Phó vụ trưởng nhận định: “Về lâu dài cần phải nghiên cứu sửa đổi luật đi kèm với việc phân cấp trách nhiệm rõ ràng nhằm hạn chế tiêu cực và sai phạm”.

Tương tự, chia sẻ quan điểm cá nhân, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính nhận định: Đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm phát triển kinh tế - xã hội là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của địa phương.

Vấn đề cần chứng minh đó là công trình cấp thiết, phải làm ngay, địa phương hoàn toàn chủ động nguồn lực không chỉ trong công trình này mà tất cả hoạt động khác, đều không phải xin ngân sách Trung ương. Tránh trường hợp bỏ tiền ra làm đường để “kỷ niệm”, còn phần việc khác lại phải xin Trung ương”.

Để “gỡ khó” khi Luật Ngân sách chưa được sửa, ông Hưng cho rằng nên tập hợp các địa phương có tiềm lực muốn làm đường quốc lộ để trình Quốc hội ra Nghị quyết riêng.

“Theo quy định của Luật Ban hành văn bản và quy phạm pháp luật, trong trường hợp pháp luật quy định khác nhau hoặc chưa có quy định, cần phải thực hiện nhưng trái với quy định hiện hành thì Quốc hội có thể ban hành Nghị quyết riêng áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này cũng giống như Quốc hội từng ra Nghị quyết trao cơ chế đặc thù cho Hà Nội và TP HCM”, ông Hưng nói và nhấn mạnh “nên làm thí điểm đối với một vài dự án, nếu thấy hợp lý mới xem xét nghiên cứu sửa luật”.

Rà soát các tuyến quốc lộ cần ưu tiên đầu tư, nâng cấp

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ GTVT, Tài chính, KH&ĐT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng ngân sách địa phương đầu tư đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, thành phố.

Xét đề nghị của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT và các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi một số quy định pháp lý có liên quan đến quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước để bảo đảm sự chủ động trong quản lý, điều hành ngân sách của Chính phủ, trong đó có Luật Ngân sách Nhà nước.

Đối với Bộ GTVT, Thủ tướng giao nghiên cứu việc điều chỉnh quy hoạch từ đường quốc lộ thành đường tỉnh lộ đối với những đoạn tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để các địa phương sử dụng ngân sách địa phương đầu tư nếu thấy thực sự cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát các đoạn, tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, thành phố cần được ưu tiên đầu tư, nâng cấp để tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.