Chiếc xe ô tô sử dụng biển giả bị Công an bắt giữ. ảnh: CA Gia Lai |
Chiều ngày 7/8, Công an thị xã An Khê cho biết: Đang tạm giữ hành chính chiếc xe ô tô BKS giả 51C-75655 (BKS thực là 37C-095.86) do tài xế Phạm Hồng Hải (SN1980, trú tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) điều khiển. Trước đó, ngày 4/8, tổ CSGT, Công an thị xã An Khê trong lúc làm nhiệm vụ đã phát hiện chiếc xe ô tô trên lưu thông trên đường đồng thời dừng xe yêu cầu kiểm tra và phát hiện xe không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, không có giấy đăng ký xe mà chỉ có 1 bản photocopy giấy đăng ký xe đã hết hạn từ ngày 20/6/2017. Chiếc xe ô tô trên gắn BKS giả, BKS thực thì được cất giấu trên xe.
Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Gia Lai cho biết, trên xe sử dụng BKS giả lúc này còn có ông L.K.H (SN 1958, trú phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An); L.K.D (SN 1986, con trai nhà báo H.). Cả hai cùng công tác tại Tạp chí Việt Nam hội nhập. Ông H. cho biết xe ô tô trên là do ông thuê để về huyện K"Bang (Gia Lai) tìm hiểu viết tin, bài về đề tài phá rừng và tình trạng đường giao thông xuống cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Việc dùng biển kiểm soát xe ô tô giả được ông H. giải thích là để “ngụy trang”, thuận lợi trong quá trình tác nghiệp, tránh bị lộ và bị trả thù.
Tuy nhiên, lý do dùng xe biển số giả để nguỵ trang là trái pháp luật, Công an thị xã An Khê đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ xe ô tô vi phạm để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.
Chiều ngày 7/8, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Cơ quan Công an tỉnh Gia Lai cho biết: "đang tiến hành xác minh để làm rõ tư cách pháp nhân của các phóng viên, nhà báo đang công tác tại Tạp chí Việt Nam hội nhập đi trên xe ô tô biển số giả. Còn về việc sử dụng xe BKS giả hiện cơ quan công an Thị xã An Khê xử lý theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ"
Theo Luật sư Đặng Văn Trung- Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai cho biết: "Việc nhóm PV sử dụng BKS xe ô tô giả là trái quy định của Pháp luật. Theo đó, chủ phương tiện sử dụng BKS giả có thể bị phạt tiền lên đến 6 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 - 3 tháng."
Tại nghị Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đã có hiệu lực từ 1/8/2016 nêu rõ: Đối với xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô mức phạt có thể lên đến 6 triệu đồng cho hành vi sử dụng BKS không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Cụ thể, tại Điểm d, Khoản 5, Điều 16, Nghị định 46 quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi điều khiển xe gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu giấy đăng ký xe, BKS không do cơ quan có thẩm quyền cấp và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (tại Điểm c, Khoản 6, Điều 16).
"Cũng theo Luật sư Trung, trong luật Báo chí tại điểm C, Khoản 3, Điều 25 cũng nêu rõ: Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật”, Luật sư Trung cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận